Sức ép từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn
Nửa cuối năm 2022 được dự đoán là thời điểm thị trường chứng kiến việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bên cạnh áp lực lạm phát, nguy cơ nợ xấu do sức ép từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trở thành tâm điểm của hầu hết giới đầu tư.
“Tiền đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, NHNN cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15% -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022”, các chuyên SSI gia nhận định.
Riêng với ngành ngân hàng, có thể nhận định rằng, rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, vào năm 2023, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn. Theo ước tính của SSI, 25% tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỉ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỉ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỉ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỉ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỉ đồng.
Theo cơ quan quản lý, khối lượng trái phiếu đến hạn trả nợ này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp. Đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024 và chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, các chuyên gia SSI nhận định, các động thái mang tính thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản từ phía Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Thị trường có cơ sở để tìm lại điểm cân bằng sau khi các chính sách được điều chỉnh ổn định.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn bên cạnh việc thiếu vắng những hướng dẫn cụ thể trong triển khai có thể dẫn tới khó khăn thì tình trạng eo hẹp nguồn vốn cho các dự án cũng cần được lắng nghe. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng và nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhà đầu tư khi môi trường kinh doanh chuyển từ quá nóng sang quá lạnh.
Tiềm ẩn rủi ro nợ xấu bất động sản khi thị trường “nguội lạnh”
Mặc dù chưa ở giai đoạn báo động, tuy nhiên vẫn không thể xem thường nguy cơ nợ xấu bất động sản, khi thị trường đang bước vào giai đoạn thử thách, nguội lạnh.
Số liệu của NHNN cũng cho thấy, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỉ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, tăng hơn so với tỉ lệ 19,9% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái.
Thống kê của FiinGroup tại 27 ngân hàng cho thấy, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng này tăng lên 1,42%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng thêm khi các ngân hàng chuyển dần những khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ. Bởi thời hạn tái cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã kết thúc vào cuối tháng 6-2022. Đồng thời, trên thực tế rủi ro nợ xấu vẫn sẽ còn đó nếu nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản bị hạn chế. Đây sẽ là yếu tố tạo thêm thách thức nợ xấu tại các ngân hàng.
Còn các chuyên gia từ SSI nhận định, động lực tăng trưởng với thị trường bất động sản trong ngắn hạn là không nhiều khi vẫn còn 4 rủi ro lớn với thị trường bất động sản. Đầu tiên là tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn đối với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà (do lãi suất tăng và ít có khả năng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng).
Thứ hai, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn sôi động như trước. Thứ ba, nhu cầu đối với bất động sản nhà ở có thể suy yếu khi lãi suất cho vay tăng. Thứ tư, tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản (tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023) có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.
“Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi. Nguy cơ nợ xấu hình thành vào năm 2023 là có cơ sở khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt”, chuyên gia phân tích SSI nhận định.