Ngành chăn nuôi tăng năng suất nhờ ứng dụng công nghệ cao

(CL&CS) - Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản với chi phí thấp nhất

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định, trong tỉnh hiện có 43 trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín, gồm 32 trang trại heo, 10 trang trại gà, 1 trang trại bò sữa. Có thể kể đến như: Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định (TX An Nhơn); Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước); Trang trại heo giống cụ kỵ công nghệ cao Thagrico Bình Định của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải Bình Định, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát); Công ty TNHH Bảo Châu, Công ty TNHH Phú Hưng, Công ty Hải Đảo (huyện Hoài Ân); Công ty TNHH Thành Phú (huyện Vân Canh)…

Ngành chăn nuôi tăng năng suất nhờ ứng dụng công nghệ cao.

Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi đang dần dịch chuyển từ chăn nuôi quy mô nông hộ kiểu cũ, lạc hậu sang quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Các trang trại áp dụng nhiều tiến bộ KHKT, như: Chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống thông gió, xử lý chất thải…, hay ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, giúp cải thiện năng suất, giảm giá thành và gia tăng lợi nhuận xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Chẳng hạn, với hệ thống quản lý và vận hành các hoạt động bên trong Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định được tự động hóa có kết nối internet, nhân viên trang trại có thể giám sát mọi hoạt động từ bất cứ đâu. Khu vực chuồng trại được trang bị hệ thống làm mát tự động (thiết bị đo nhiệt ẩm, xử lý phân, nước thải…), giúp môi trường bên trong chuồng luôn mát mẻ. Hơn 2.000 con bò đang được nuôi tại đây đều được đeo 2 chip ở cổ, trong đó có 1 chip đóng vai trò định danh, giúp xác định nguồn gốc bò, trang trại nuôi, lai lịch bố mẹ và nhiều thông số khác; chip còn lại cung cấp các chỉ  số về tình trạng sức khỏe, sinh sản và năng suất sữa... Dữ liệu ở 2 chip này được cập nhật liên tục gửi về trung tâm quản lý, đây là cơ sở để hệ thống tự động phân tích, đánh giá và đưa ra báo cáo chi tiết để người nuôi kiểm tra, đối chiếu và đưa ra chế độ chăm sóc cần thiết khi cần.

Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản với chi phí thấp nhất. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành chăn nuôi, phù hợp quy định tại Luật Chăn nuôi và Thông tư số 20 của Bộ NN&PTNT về quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng các phần mềm cấp, quản lý giấy phép, chứng nhận giết mổ và hành nghề, kinh doanh thuốc thú y; rà soát, hoàn chỉnh và chuyển đổi số các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, xây dựng sổ tay điện tử hỗ trợ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và giết mổ gia cầm, gia súc cho người dân... Từ đó, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TIN LIÊN QUAN