Tăng trưởng xanh được xác định là chiến lược phát triển tương lai của các thành phố lớn tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới. Theo nghiên cứu của Savills, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố (dự kiến sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050). Vì vậy, mục tiêu Phát triển bền vững số 11 của Liên hợp quốc kêu gọi các thành phố theo đuổi một con đường đô thị hóa bao trùm và bền vững hơn để chống lại tác động của phát triển nhanh chóng.
Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, số lượng công trình xanh tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/15 Singapore, với 70 dự án. Tuy nhiên, tính đến năm 2024, Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, có hơn 400 dự án xanh được ghi nhận, con số này đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành bất động sản.
Nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 về biến đổi khí hậu (COP26). Quyết định này của Bộ Xây dựng tập trung vào các mục tiêu: xây dựng và thực hiện lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp; phát triển các công trình xây dựng (nhà ở, trụ sở văn phòng, tòa nhà thương mại dịch vụ...) thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
CEO Phuc Khang Corp – bà Lưu Thị Thanh Mẫu nhận định việc xây dựng theo chuẩn công trình xanh sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành; tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ xanh; nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn vì vì nhiều quỹ đầu tư hiện nay ưu tiên tài trợ cho các dự án bền vững.
Với các lợi thế về giảm thiểu tác động đến môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, tạo môi trường sống lành mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.… các công trình xanh ngày càng được chú trọng phát triển, trở thành chiến lược chung của quốc gia.
Bất động sản công nghiệp cũng đang tiếp tục xu hướng xanh hóa. Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như BW Industrial, Fraser Property, KCN Việt Nam, Sembcorp, cũng theo đuổi chiến lược phát triển hạ tầng công nghiệp xanh. Ở phân khúc văn phòng, hầu hết tòa nhà mới ra mắt tại thị trường TP HCM và Hà Nội vài năm trở lại đây đều theo đuổi chứng chỉ xanh.
Sự tăng trưởng này cho thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao, thúc đẩy quyết định đầu tư vào công trình xanh. Tài sản đạt chứng chỉ xanh hay tuân thủ ESG cũng dễ kêu gọi hợp tác, đầu tư vốn, trở thành yếu tố cân nhắc chính trong các giao dịch M&A. Ngoài ra, theo Keppel Việt Nam, một số loại hình bất động sản mới cũng có nhiều triển vọng như trung tâm dữ liệu, viện dưỡng lão.
Theo đại diện Savills Hà Nội cho biết, để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng. Việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp các chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức chi phí tốt hơn. Bởi các dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và làm việc, cùng các yếu tố bền vững.
Vị này thông tin hiện nay, có bốn loại chứng nhận công trình xanh phổ biến, gồm: LEED, EDGE, WELL Building Standard và LOTUS. Những chứng chỉ quy định các giải pháp vận hành thực tiễn những dự án xanh, tập trung vào hiệu quả năng lượng, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành một dự án xanh còn cần chú trọng đến nhiều khía cạnh khác như tối ưu hóa vận hành hệ thống kỹ thuật thông qua đánh giá và điều chỉnh thông số hoạt động, xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hợp lý, áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng, phần mềm, cải thiện cách nhiệt cách âm…
Đại diện Savills Hà Nội nhấn mạnh, việc vận hành dự án xanh là quá trình bền bỉ, liên tục, có kế hoạch, phương pháp hợp lý theo các tiêu chuẩn, chứng chỉ uy tín. Về phía khách thuê, cư dân, đây là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà. Do đó chủ đầu tư cũng cần khuyến khích đối tượng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn, hướng tới ESG như: hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn...