Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức về năng suất thấp và chất lượng không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hụt về kỹ năng, cách thức quản lý chưa tối ưu và lãng phí trong quy trình sản xuất. Trong bối cảnh đó, TWI nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, giúp doanh nghiệp khắc phục những điểm yếu này và tạo nên những bước đột phá trong sản xuất.
Nâng cao năng suất chất lượng nhờ công cụ TWI
Chương trình TWI tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Job Instruction (JI) – Huấn luyện công việc, Job Methods (JM) – Phương pháp làm việc, và Job Relations (JR) – Quan hệ công việc.
Job Instruction (JI): Đào tạo người lao động làm đúng cách, đúng tiêu chuẩn ngay từ lần đầu tiên, giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng sản phẩm; Job Methods (JM): Tối ưu hóa cách thức thực hiện công việc nhằm giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả; Job Relations (JR): Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực và phối hợp hiệu quả.
TWI được biết đến là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kĩ năng thiết yếu cho các cấp giám sát viên. Trong khi các doanh nghiệp trên thế giới coi đào tạo như một chiến lược đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh thì có nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi đào tạo như một khoản chi phí cắt giảm càng nhiều càng tốt.
Ví dụ như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Máy Việt sau khi áp dụng TWI, Máy Việt đã giảm 15% tỷ lệ hàng lỗi, tăng năng suất lao động 10% và giảm 80% thời gian giao hàng chậm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có chiến lược đào tạo gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Kế hoạch đào tạo hàng năm cũng không có, hoặc có thì cũng rất sơ sài, hình thức. Bức tranh trong nhiều doanh nghiệp hiện nay là: lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo, cán bộ phụ trách đào tạo không có, hoặc có thì cũng thiếu năng lực, kinh phí đào tạo quá hạn hẹp, không xác định được nhu cầu đào tạo của nhân viên, không có các biện pháp triển khai kế hoạch đào tạo, không đánh giá được hiệu quả của công tác đào tạo.
Việc triển khai TWI không chỉ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình đào tạo mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào tay nghề cá nhân. Các bước hướng dẫn công việc rõ ràng, chi tiết giúp người lao động nắm bắt công việc nhanh chóng, hạn chế lỗi và tối ưu hóa thời gian. Bên cạnh đó, cải tiến phương pháp làm việc thông qua JM giúp loại bỏ các thao tác thừa, giảm lãng phí tài nguyên và thời gian.
Thông qua ứng dụng TWI, các doanh nghiệp sẽ nâng cao năng suất lao động thông qua tối ưu hóa kỹ năng và phương pháp làm việc.Từ đó, giảm thiểu sai sót và lãng phí, cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả với sự phối hợp tốt giữa các bộ phận, chuẩn hóa quy trình đào tạo, giúp người lao động nhanh chóng làm chủ công việc.
Với những lợi ích thiết thực mà TWI mang lại, đây thực sự là công cụ mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Việc đầu tư vào TWI không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong tương lai, khi yêu cầu về chất lượng và năng suất ngày càng cao, TWI sẽ càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và tiến xa hơn trên con đường phát triển.