Môi giới bất động sản “rầm rộ” quay trở lại sau thời gian “ngủ đông”, thị trường đang ấm lên thấy rõ?

Đến đầu năm 2025, sau thời gian dài rời bỏ nghề, có đến 70% môi giới đã trở lại. Điều này đã cho thấy đà ấm lên của thị trường bất động sản.

Trở  lại thời 'làm mưa làm gió'?

Cách đây 2 năm, khi thị trường bất động sản lao dốc, thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy có đến 70% môi giới địa ốc chuyển nghề, khiến nhân sự ngành này giảm từ 300.000 người xuống còn khoảng 100.000 người. Nhưng đến đầu năm 2025, 70% môi giới đã trở lại.

Đơn cử như tại BHS Property, nhằm đón sóng chu kỳ nhà đất mới, từ giữa năm 2024, công ty đã  đã khởi động một đợt tuyển dụng lớn. Ngoài tập trung cho mảng cốt lõi là tư vấn, chiến lược marketing, doanh nghiệp này còn xây dựng thêm bộ phận chuyên bán hàng.

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Property cho biết, 5 năm trước, BHS Property chưa xây dựng hệ thống “sale in house”. Chưa kể, phần lớn lực lượng môi giới trước đây thường tập trung tại Hà Nội, trong khi nhiều dự án tốt tại các địa phương khác lại thiếu nhân sự bán hàng.

Thời gian qua, để đáp ứng tình hình mới, BHS Property chủ động xây dựng bộ phận môi giới chuyên biệt nhằm khỏa lấp khoảng trống này, góp phần tăng thanh khoản thị trường, hỗ trợ các chủ đầu tư ra hàng thuận lợi.

Tương tư, nhiều doanh nghiệp môi giới khác đều đang mở các đợt tuyển dụng lớn để bổ sung nhân sự cho các kế hoạch bán hàng quy mô “khủng”.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, khi niềm tin của nhà đầu tư có sự cải thiện, các chủ đầu tư và đơn vị môi giới đang tích cực hoàn tất các khâu chuẩn bị, hoàn thiện nội lực để bước vào giai đoạn mới của thị trường.

Đặc biệt, các đơn vị môi giới đẩy mạnh đào tạo, tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện hành nghề theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Các môi giới cá nhân cũng khẩn trương thi lấy chứng chỉ môi giới và tìm doanh nghiệp môi giới phù hợp để ứng tuyển. Các doanh nghiệp môi giới tích cực kết nối, hợp tác với nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối khác để tăng nguồn cung sản phẩm và tiếp cận được.

Theo ông Hoàng Hải Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), suốt 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp môi giới địa ốc gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa, kéo theo lượng lớn môi giới bỏ nghề. Giai đoạn hiện tại, thị trường ngày một ấm lên thúc đẩy nhiều môi giới quay trở lại.

Cuộc cách mạng đối với môi giới

Thực tế, việc thị trường ấm lên kéo theo lượng môi giới bất động sản quay trở lại thị trường ngày càng đông đã được dự báo trước. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhìn nhận cùng với sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản, nghề môi giới cũng dần lấy lại phong độ.

Khó khăn đã vơi, thời cơ dần lộ rõ, nhưng theo ông Đính, thời của làm ăn chụp giật đã qua. Môi giới nhà đất trong giai đoạn tới cần những thay đổi cả về cách nghĩ, cách làm, chuyên nghiệp hơn.

Những cuộc “cách mạng” cả về tư duy và cách làm của môi giới là cần thiết, bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới bất động sản không được hành nghề tự do mà phải hành nghề trong một doanh nghiệp.

Quy định mới đồng nghĩa môi giới bất động sản đã hết thời tự do hành nghề, từ đó giảm thiểu tình trạng những môi giới “tay ngang” lộng hành, lợi dụng cơ hội để lừa đảo, trục lợi bất chính, góp phần giúp thị trường bất động sản vận hành an toàn, minh bạch.

Trước đó, ông Đính cũng từng nhấn mạnh, việc mua bán bất động sản chủ yếu diễn ra qua các kênh truyền thống như hiện nay, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng sốt ảo, thao túng giá và thậm chí là lừa đảo.

Bên cạnh đó, nhiều giao dịch không được kê khai đầy đủ khiến Nhà nước thất thu thuế, đồng thời gây khó khăn trong việc quản lý và điều tiết thị trường.

Đồng thời, ông Đính cũng thừa nhận một phần nguyên nhân từ việc có nhiều môi giới thiếu đạo đức, làm ăn chộp giật, tiếp tay cho đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Một một vấn đề nữa được đặt ra, nếu sàn giao dịch bất động sản được triển khai, vai trò của các môi giới sẽ thay đổi như thế nào, liệu môi giới bất động sản sẽ "lụi tàn" khỏi thị trường? Ông Đính chia sẻ: Giống như trên thị trường chứng khoán, môi giới sẽ không mất đi mà sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động. Thay vì đóng vai trò là người trung gian trong các giao dịch thì môi giới sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng theo cách phù hợp của thị trường.

Các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam cũng là xu hướng chung trên thế giới. Điển hình như tại Singapore, ông Jeff Foo (Viện Nghiên cứu bất động sản Singapore) cho hay, quốc gia này hiện có trên 1.000 công ty môi giới, với hơn 12.000 sale hoạt động. Để trở thành môi giới chuyên nghiệp, người làm nghề phải trải qua khóa đào tạo và thi đậu các hoạt động như sale, marketing, nắm bắt tâm lý khách hàng…

“Ở Singapore, môi giới không có giấy phép hay lừa đảo có thể bị phạt tù tới 3 năm”, ông Jeff Foo nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN