Thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thời điểm cao nhất có thể có tới 400.000 môi giới hoạt động trong ngành này. Đây cũng được biết đến là một nghề dễ kiếm tiền, bởi hoa hồng cho mỗi sản phẩm giao dịch thành công lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, sau 2 năm dịch bệnh COVID - 19 và hơn 1 năm thị trường bất động sản "đóng băng", có đến 70% môi giới bất động sản đã chuyển nghề, hoặc rời bỏ ngành do tác động tiêu cực từ thị trường. Trong đó, điển hình một số doanh nghiệp niêm yết như DXS, trong năm 2023 đã phải cắt giảm đến 1.065 nhân sự, hay Novaland cũng cắt giảm giảm 313 nhân sự.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, đội ngũ môi giới bắt buộc phải làm nghiêm túc hơn, phải hoạt động trong sàn giao dịch và có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, sàn giao dịch phải có trách nhiệm quản lý và kiểm soát nhân viên của mình. Mọi thông tin phải công bố đầy đủ, công khai và chỉ được phép thực thi, mua bán hay giới thiệu các dự án bất động sản đủ điều kiện hoạt động.
"Điều này góp phần loại bỏ tình trạng như mua bán lòng vòng, giới thiệu những dự án ma hay "phủi tay chạy làng", gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính", ông Đính nhấn mạnh. Chủ tịch VARS cũng cho rằng, lực lượng môi giới buộc phải nâng tầm từ kiến thức, kinh nghiệm và đạo đức để phù hợp với thực tiễn và không bị "bỏ lại phía sau".
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/8/2024, trong đó những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động môi giới bất động sản đang được chú ý.
Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, các luật này khi áp dụng vào cuộc sống có thể tạo ra nguồn “trợ lực” cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, ngoài việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án triển khai giúp thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, ba Luật cũng bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động môi giới bất động sản.
Thứ nhất, bổ sung quy định cá nhân môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện phải hoạt động trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Thứ hai, bổ sung quy định sàn giao dịch bất động sản trước khi hoạt động phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh, nơi có trụ sở chính của sàn giao dịch bất động sản để được cấp giấy phép hoạt động.
Thứ ba, bổ sung quy định chi tiết hơn về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản; bổ sung quy định sử dụng hợp đồng trong kinh doanh bất động sản. Quy định chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện công khai các hợp đồng kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản trước khi áp dụng.
Thứ tư, bổ sung quy định về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản.
“Các quy định góp phần minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản; phòng ngừa, hạn chế những bất ổn thị trường do các hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản thiếu sự kiểm soát hiệu quả”, ông Hoàng Hải đánh giá.
Cũng theo ông Hải, việc quy định chặt chẽ hoạt động môi giới bất động sản là cần thiết, bởi hoạt động này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động giao dịch bất động sản. Trong đó, đặc biệt là người môi giới bất động sản - đóng vai trò trung gian kết nối, tư vấn giúp nhà đầu tư, khách hàng tìm hiểu thông tin thị trường, thủ tục, giấy tờ... để đi đến quyết định giao dịch. Hơn hết là tạo được kênh thông tin an toàn, đảm bảo pháp lý trong giao dịch, giúp người mua tránh được rủi ro và mua nhầm sản phẩm không đủ điều kiện. Thế nên cộng đồng môi giới bất động sản cần chủ động trang bị và thường xuyên cập nhật kiến thức mới.