Mặc dù có lãi nhưng địa ốc First Real lại ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục trong 9 tháng qua

(CL&CS) - CTCP Địa ốc First Real (mã FIR - sàn HoSE) công bố doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong 9 tháng của năm tài chính (1/4/2021 – 30/6/2022), nhưng dòng tiền cũng đồng thời âm kỷ lục.

Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 89.2 tỷ đồng

CTCP Địa ốc First Real (HoSE: FIR) công bố kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 1/10/2021 - 30/9/2022 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 102,8 tỷ đồng, tăng 36,7%. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 90,4 tỷ đồng, tăng 58,5%.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của địa ốc First Real

Giá vốn hàng bán tăng 10,3%, ít hơn doanh thu, ở mức 40,6 tỷ đồng giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 51,1% lên 60,5%. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 4,6; 9,3 và 7,4 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 411%, giảm 12,3% và tăng 57,4% so với kỳ trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 32,1 tỷ đồng, tăng 94,5%.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 271 tỷ đồng doanh thu, tăng 91,25%. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 89,2 tỷ đồng, gấp hơn 4,7 lần giai đoạn trước. Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, công ty đạt 60,2% kế hoạch doanh thu và 74,3% kế hoạch lợi nhuận.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản công ty tăng 88%, đạt 1.190 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, lần lượt là 93,8% và gần 191% so với thời điểm đầu tháng 10 năm ngoái. Hai khoản này đang ghi nhận ở mức 785,1 tỷ đồng và 262,9 tỷ đồng.

Lượng tăng khoản phải thu chủ yếu đến từ 2 lý do chính. Thứ nhất, các khoản đặt cọc cho chủ đầu tư các dự án để đảm bảo quyền bao tiêu và cung cấp dịch vụ môi giới độc quyền đã tăng 146,8 tỷ đồng, ghi nhận ở mức 191,3 tỷ đồng. Thứ hai, khoản kí cược bao tiêu môi giới 15 lô đất ở Quảng Nam và Quảng Bình đã từ 0 lên 80 tỷ đồng.

Địa ốc First Real cũng đã nhận quyền sử dụng đất dự án trị giá gần 190 tỷ đồng khu dân cư An Phú tại Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây là nguyên chính hàng tồn kho tăng gấp 2,9 lần so với đầu năm.

Trong năm 2022, FIR đặt mục tiêu mang về tổng doanh thu 450 tỷ đồng và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty cũng dự kiến tăng nguồn vốn lên 450 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh trong 9 tháng, doanh nghiệp mới chỉ đạt được 60% kế hoạch doanh thu trong khi lãi ròng đạt 74% kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng, gia tăng khoản vay

Tính đến ngày 30/6/2022, nợ phải trả của FIR tăng mạnh 110% lên 1.061 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn khi ghi nhận 785 tỷ đồng (chiếm 74%) - tăng 94%; hàng tồn kho cũng có xu hướng tăng lên gần 263 tỷ đồng - gấp 3 lần so với cuối quý III/2021. Tài sản dài hạn chỉ tăng nhẹ lên 129 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tăng 116% lên 493 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn khi ghi nhận 404 tỷ đồng (chiếm 82%), nợ dài hạn cũng gấp gần 9 lần - tương đương 89 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của FIR đến cuối kỳ đạt 697 tỷ đồng - tăng 72%. Tổng nguồn vốn tăng 88% lên 1.190 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2021.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng qua, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 429 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền tài chính lại ghi nhận 436 tỷ đồng - gấp 5,5 lần cùng kỳ (chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ). Tiền và tương đương tiền đến cuối kỳ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng - giảm 89%.

Lưu chuyển tiền tệ Địa ốc First Real (Nguồn: BCTC)

Như vậy, trong 9 tháng qua, Công ty đã huy động tổng 435,9 tỷ đồng từ cổ đông và tăng vay nợ, số tiền này gần tương đương với tổng tồn kho và các khoản phải thu tăng lên 552 tỷ đồng.

Dựa trên biến động nguồn vốn bên ngoài, Công ty đã huy động dòng vốn bên ngoài, dòng vốn này chủ yếu chảy vào làm tăng tồn kho và các khoản phải thu, điều này cũng dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục trong 9 tháng của năm tài chính 2021-2022.

Cơ cấu trả trước cho người bán (Nguồn: BCTC)

Xét về cơ cấu các khoản phải thu, chủ yếu trả trước cho người bán tăng lên.

Trong đó, 91,9 tỷ đồng Công ty TNHH C-Media; 65,3 tỷ đồng CTCP BĐS Protech; 27 tỷ đồng CTCP Lasting Capital; 13,6 tỷ đồng CTCP Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn…

Cơ cấu phải thu ngắn hạn khác tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC)

Ngoài ra, Công ty cũng tăng các khoản phải thu ngắn hạn khác. Trong đó, 191,3 tỷ đồng tạm ứng cho nhân viên; 194 tỷ đồng phải thu khác CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam…

Được biết, trong năm 2022, công ty sẽ tiếp tục tập trung phát triển bằng việc xúc tiến đầu tư hàng loạt dự án mới đa dạng phân khúc trải dọc các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu FIR đang trong xu hướng tăng kể từ khi lên sàn vào tháng 10/2018, ở mức 44.200 đồng tại giá đóng cửa ngày 4/8.