Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu các mô hình đổi mới sáng tạo trên thế giới và Việt Nam tới các đơn vị là công ty, cơ sở sản xuất gốm, sứ Bát Tràng thuộc làng nghề truyền thống xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Giới thiệu khái niệm, thực tế về đổi mới sáng tạo tại quốc tế, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC và các công sự cho biết: Đổi mới sáng tạo trên thế giới có khoảng 200 định nghĩa khác nhau, nhưng trong đó có khoảng 20 nước phát triển nhất có khái niệm khái quát gần tương đồng nhau, đó là: Đổi mới sáng tạo phải được đo bằng thị trường, sản phẩm được thị trường chấp nhận, phải có sự khác biệt rõ nét sản phẩm.
Những lý luận, thực tiễn tại các nước phát triển đã áp dụng thành công đổi mới sáng tạo vào hoạt động kinh doanh được các chuyên gia đến từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) , Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ tới các chủ doanh nghiệp được đón nhận, trao đổi sôi nổi.
Liên quan đến đổi mới sáng tạo, tại Việt Nam đã và đang thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang triển khai.
Với việc áp dụng đổi mới sáng tạo không những nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu của khách hàng, mà còn là các lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa làng nghệ Việt. Những ví dụ thực tế từ các chuyên gia cho biết: nhờ áp dụng công nghệ nung hiện đại sẽ tiết kiệm nhiệt năng, giảm ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật in 3D vào sản xuất gốm, sứ đã đem lại thành công trong hoạt động kinh doanh; Trong sơn mài, các nghệ nhân đã thay thế nguyên liệu từ gỗ mít sang gỗ công nghiệp giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nghệ nhân; Trong sản xuất tơ lụa, có địa phương đã phối hợp với các nhà khoa học để ứng dụng kỹ thuật nhuộm ombre, sử dụng màu nhuộm tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Thành phố Hà Nội là trung tâm khoa học-công nghệ của cả nước; phát triển khoa học-công nghệ dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm lực trên địa bàn, góp phần khơi nguồn đổi mới sáng tạo; làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội ông Ngô Minh Toàn cho biết: Với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp, các làng nghề trên mọi lĩnh vực hoạt động thông qua kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và các chuyên gia trong và ngoài nước; tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết, tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối đầu tư nâng cao năng lực; thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tất cả các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận, kết nối thông tin các chính sách chương trình hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trung tâm là nơi chia sẻ các tài liệu kiến thức, kinh nghiệm, mô hình quản trị doanh nghiệp tiêu biểu làm bài học cho các DNNVV tham khảo, kết nối chia sẻ lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.
Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới; Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tại hội thảo các chuyên gia đã chia sẻ nhiều ví dụ minh hoạ việc các làng nghề cần tiếp cận các mô hình mới như sàn thương mại điện tử. Hiện nay, nhiều mô hình đã áp dụng thành công của người Việt Nam, không chỉ bán hàng theo cách truyền thống cho thương lái, các cơ sở của làng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đưa ra thế giới thông qua các dạng các kênh thương mại điện tử.