Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(CL&CS) - Trong chiều 8-6, trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nói: NHNN Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tiền cho vay cũng là tiền huy động của dân, nên ngân hàng cũng phải được bảo đảm về khả năng thu hồi nợ.

Trước vấn đề giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng được đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu ra với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành lãi suất và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm mà NHNN rất quan tâm. Trên thực tế, những năm qua, bằng rất nhiều giải pháp điều tiết tiền tệ, NHNN đã chỉ đạo hệ thống có giải pháp làm mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Vì vậy, những năm trước, mặt bằng lãi suất rất cao, nhưng đến thời điểm năm 2020-2021 thì lãi suất đã giảm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất của NHNN Việt Nam chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài. Lạm phát đang là xu hướng trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất. Từ năm 2021 đã có khoảng hơn 100 lượt tăng lãi suất. 5 tháng đầu năm 2022 cũng đã có khoảng 135 lượt tăng lãi suất ở các ngân hàng Trung ương trên thế giới.

Ở trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung-cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, chỉ trong 5 tháng, khi doanh nghiệp và người dân thực hiện trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tín dụng đã tăng 8%. Đây là mức tăng khá cao so với mục tiêu định hướng cả năm 2022 là 14%. Áp lực lớn như vậy, nhưng NHNN đã điều tiết và cơ bản ổn định được mặt bằng lãi suất. Vì vậy, lãi suất chỉ tăng 0,09% so với năm ngoái.

Cũng liên quan tới vấn đề lãi suất, trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Bắc Giang, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Nghị quyết 43/2022/QH15 có yêu cầu phải giảm 0,5-1% lãi suất trong 2 năm, 2022 và 2023.

Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng nêu quan điểm và mục tiêu là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn bảo đảm kiên định, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm cũng như hằng năm.

Vì vậy, theo Thông đốc Nguyễn Thị Hồng, trong điều hành lãi suất, NHNN cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ điều hành khác để vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Về vấn đề lãi suất với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là khối doanh nghiệp chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế hơn như về tình hình tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa… Vì vậy, mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn các doanh nghiệp khác. Ngân hàng thường đưa ra lãi suất dựa trên mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp có độ tín nhiệm thấp hơn thì phải chịu lãi suất cao hơn so với doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là thời gian dịch bệnh 2020-2021, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong 2 năm đã giảm được lãi suất 47.000 tỷ đồng.

Về tiếp cận tín dụng, do có nhiều điểm hạn chế như vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. “Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện theo nguyên tắc là khi cho vay thì khách hàng cũng phải có bảo đảm trả nợ cho khoản vay thì mới cho vay, vì tiền cho vay cũng là tiền huy động của người dân nên cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có những giải pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể là Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị định có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong lĩnh vực tín dụng cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay của các tổ chức tín dụng. Các địa phương hiện cũng có khoảng 29 quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. “Nếu thời gian tới thực hiện tổng kết hoạt động của quỹ bảo lãnh này thì sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

TIN LIÊN QUAN