Việc triển khai nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 vào các doanh nghiệp ngành du lịch là một nhiệm vụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ngành du lịch gắn kết hoạt động kinh doanh dịch vụ với bảo vệ môi trường. Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, tất cả các doanh nghiệp ngành du lịch được hỗ trợ áp dụng Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 trong khuôn khổ nhiệm vụ đều đạt được những hiệu quả cụ thể.
Việc áp dụng ISO 14001 đã mang lại cho các doanh nghiệp phong cách quản lý nền nếp, khoa học, toàn diên và đồng bộ về môi trường, đem lại hiệu quả hoạt động và nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Ngoài ra việc áp dụng ISO 14001 còn giúp các doanh nghiệp ngành du lịch đóng góp vào việc thực hiên các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs) như mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường; sử dụng năng lượng sạch; việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế; sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm; thực hiện các hành động giảm ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu; bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất…
Vì việc triển khai mới thực hiện ở giai đoạn đầu, lại trong giai đoạn dịch bênh Covid-19 nên chưa thể hiện được hết hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Tuy nhiên theo số liệu đánh giá ban đầu có thể thấy hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn là khả quan, cụ thể như sau:
Ở tất cả các doanh nghiệp đều có cải thiện nhận thức của cán bộ, nhân viên về tác động của hoạt động cung cấp dịch vụ đến môi trường xung quanh; hầu hết doanh nghiệp có cán bộ, nhân viên liên quan nắm chắc được các nội dung điều khoản của ISO 14001, các kiến thức và kỹ năng vận hành Hệ thống quản lý môi trường qua các khoá đào tạo và áp dụng thực tiễn. Đây là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm túc và liên tục cải tiến, hoàn thiện Hệ thống quản lý môi trường của mình.
Theo đánh giá ban đầu, tất cả các doanh nghiệp không có vụ vi phạm hành chính về môi trường bị cảnh cáo hoặc phạt hành chính. Nhiều doanh nghiệp đã có ghi nhận giảm thiểu lượng điện tiêu thụ từ 5% đến 25,2% như Nhà hàng Hoàng Lê, Công ty TNHH Châu Á Thái Bình Dương Hạ Long, Công ty TNHH Du lịch và dịch vụ NNC…Một số doanh nghiệp đã có báo cáo đánh giá về việc giảm thiểu lượng điện tiêu thụ tại Văn phòng từ 5% đến 20% như Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch SHB 5%, Công ty TNHH MTV Thủy Sinh Kim 16%, Công ty TNHH Du lịch và dịch vụ NNC 20%...Tất cả các doanh nghiệp có tỷ lệ khách hàng phản hồi hài lòng về chất lượng dịch vụ trên 79%.
Các hiệu quả khác như tỉ lệ rác thải tái chế trên tổng lượng rác thải tạo ra, tổng lượng rác thải giảm so với trước khi áp dụng quản lý, giảm thiểu khối lượng nước sinh hoạt sử dụng hàng tháng trung bình… đều có những ghi nhận tích cực.
Trên đây là kết quả bước đầu sau 30 tháng triển khai áp dụng Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 vào các doanh nghiệp ngành du lịch” tại các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết tiếp tục phát huy kết quả, hiệu quả đã đạt được, tiếp tục duy trì, cải tiến, hoàn thiện Hệ thống quản lý môi trường của mình để đạt được hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và xã hội.
Đối với các doanh nghiêp khác ngành du lịch, căn cứ tình hình chung trên thế giới và nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam, nhất là yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 nhằm tạo nền tảng cho các hoạt động quản lý môi trường, tạo bước chuyển biến về nhận thức, phương pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, trách nhiệm xã hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường./.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).