Sau thời gian rà soát, từ giữa tháng 9 đến nay, nhiều huyện bắt đầu đấu giá đất trở lại. Riêng 4 huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai và Hoài Đức sẽ đấu giá gần 400 lô đất trong tháng 12.
Theo thông báo của huyện Thanh Oai, sáng 30/11, huyện Thanh Oai (Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá 22 thửa đất với tổng diện tích hơn 2.209 m2, tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
Các thửa đất có diện tích từ 85,75 m2 đến 135,7 m2 với giá khởi điểm là 5,3 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước là từ hơn 93 triệu đồng đến hơn 143 triệu đồng/thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 5 vòng đấu bắt buộc).
Cũng tại khu đất này, sáng 7/12, huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 19 thửa đất với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Các thửa đất có diện tích từ 87 m2 đến 117 m2, tiền đặt trước từ 92 triệu đến 136 triệu đồng/thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 5 vòng đấu bắt buộc).
Vẫn tại Thanh Oai, sáng 21/12, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá 20 thửa đất cũng tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động. Các thửa đất có diện tích từ 96 m2 đến 149,34 m2, mức giá khởi điểm là 5,4 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, huyện Thường Tín sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 24 thửa đất thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm vào ngày 25/11 tới đây. Các thửa đất có diện tích 128-378m2/thửa với giá khởi điểm 3,8 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất từ 98,9 triệu đồng đến 292,7 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 6 vòng đấu bắt buộc).
Tương tự, Huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) cũng đang tìm đơn vị tổ chức đấu giá 26 thửa đất (Khu LK1, LK2) và 26 thửa đất (Khu LK2, LK6) tại khu đất đấu giá 31 thôn Yên Quán, xã Tân Phú. Các thửa đất có diện tích từ 73,2m2 đến 122m2, giá khởi điểm là 4,7 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại huyện Mê Linh, 33 lô đất thuộc hai thôn Đông Cao, Tráng Việt, xã Tráng Việt được bán đấu giá trong tháng cuối năm, chia thành ba đợt. Các lô liền kề có diện tích 87-1.111 m2 với tổng giá trị khoảng 132 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng, tính theo giá khởi điểm 1,5 triệu đồng một m2. Người tham gia phải đặt trước 26-336 triệu đồng mỗi thửa. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc, với bước giá 5-6 triệu đồng mỗi m2.
Huyện Mỹ Đức cũng đấu giá gần 200 thửa đất đầu tháng 12. Trong đó khu Đông Dư, thôn Trì và khu Đông Rì - Bờ Và, thôn Nội có 93 lô đất diện tích 100-178 m2. Giá mỗi lô khoảng 213 triệu đồng đến 377 triệu đồng, tính theo mức khởi điểm 2,1 triệu đồng mỗi m2. Còn khu Mái Sau, Thôn Trì có 22 thửa sẽ lên sàn đấu với giá khởi điểm 1,7 triệu đồng mỗi m2. Với diện tích 93-147 m2, khoản tiền đặt trước chỉ dao động 32-50 triệu đồng.
Cùng ngày, huyện này tổ chức đấu giá 82 thửa đất liền kề tại khu lô 3 Đồng Chùa, xã An Mỹ với giá khởi điểm 2,1 triệu đồng mỗi m2. Các lô có diện tích 74-284 m2, tổng giá trị 157-603 triệu đồng.
Trước diễn biến nóng của các phiên đấu giá đất thời gian qua, Ông Phạm Đức Toản, CEO Bất động sản EZ chia sẻ, hiện tại, bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực nhưng nó gần như “mất công dụng”. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc và có hành động quyết liệt thì những phiên đấu giá đất này sẽ trở thành “sân chơi dành riêng cho môi giới”. Một nghề mới có thể ra đời chính là nghề “đấu giá đất”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) lưu ý “lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn”. Khi quyết định trả giá tại phiên đấu, nhà đầu tư nên cân nhắc dựa vào các yếu tố như quy hoạch, công năng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dư địa phát triển…của khu vực. Tránh viễn cảnh đổ vốn vào mà không rút ra được.