Giải pháp nào thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán?

(CL&CS)- Muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn thì lãnh đạo đơn vị cần nhận thức rõ những cơ hội và thách thức, trách nhiệm, đồng thời nâng cao tính minh bạch hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.

Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. TTCK hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.

Thị trường này đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, trong khi đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển TTCK công khai, minh bạch, bền vững.

Theo các chuyên gia, trong 3 năm vừa qua, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế.

Theo ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), sau 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp. Về nguyên nhân, đại diện VASB cho rằng, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. TTCK hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, trước những nỗ lực của Chính phủ, thời gian vừa qua, nhờ các chính sách tài khoá kịp thời, hiệu quả nên chúng ta đã cơ bản kiểm soát được lạm phát, tỷ giá hối đoái duy trì ở mức cân bằng.

Chính phủ, Nhà nước cũng thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT và thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều rất tích cực, bởi doanh nghiệp là đơn vị cung cấp hàng hóa ra "chợ" mà gặp khó khăn, thì thị trường chứng khoán làm sao có thể phát triển được?

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” sáng ngày 19/7 do Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức, trách nhiệm khi lên sàn chứng khoán. Từ đó, các doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch hướng tới sự phát triển bền vững.

Bà Hồ Thị Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội-HNX) cho hay: Sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi, hoạt động của mảng thị trường niêm yết đã có bước tiến đáng kể. Trong tiêu chí niêm yết, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, là sự sàng lọc khắt khe hơn trước rất nhiều, và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho TTCK.

Các DN niêm yết trong thời gian gần đây, họ đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thứ nữa là điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ thông tin: Đến nay, Hiệp hội DNNVV có hơn 65.000 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động trong hiệp hội. Trong đó, chiếm trên 1% (hơn 650 doanh nghiệp) là doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết.

Trên TTCK, phần lớn vốn hóa thị trường, khoảng 85% tổng vốn hóa đang rơi vào một nhóm doanh nghiệp lớn, còn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Nguyên nhân là vì điều kiện tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là về vốn điều lệ.

Trao đổi với Tạp chí Chất lượng và cuộc sống về những giải pháp căn cơ thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, ông Phan Quốc Huỳnh cho biết: Không phải doanh nghiệp nào cũng ngại lên sàn, nhưng cũng có đơn vị lên rồi lại xuống.

Về mấu chốt, theo quy định là doanh nghiệp muốn lên sàn thì cần sự về hoạt động, chi tiêu, tài chính, thuế, lợi nhuận,... và phải báo cáo định kỳ. Nếu như đơn vị nào xác định mình hoạt động minh bạch để đưa hàng hoá, cổ phiếu lên sàn nhà đầu tư giao dịch huy động vốn thì đó là một định hướng rất đúng.

Đồng quan điểm, ông Đức cho rằng, các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hoá. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thoả mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.

TIN LIÊN QUAN