Căn hộ cao cấp áp đảo
Trong báo cáo thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết sản phẩm nhà ở ngày càng kém đa dạng bởi tình trạng lệch pha nghiêm trọng. 9 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường vẫn phân hoá mạnh với 70% là căn hộ chung cư. Trong đó, phân khúc cao cấp (trên 50 triệu đồng một m2) và hạng sang (hơn 80 triệu đồng/m2) chiếm áp đảo, với 70%.
Tình trạng nhà ở cao cấp, hạng sang chiếm sóng thị trường có xu hướng gia tăng từ đầu năm đến nay. So với quý III/2023, nhà ở hạng sang tăng gấp đôi, còn căn hộ bình dân có xu hướng sụt giảm.
VARS cho biết phân khúc trung cấp (từ 25 đến 50 triệu đồng) tập trung tại các đại đô thị ven đô, thậm chí dạt sang thị trường tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Thực trạng này cũng được ghi nhận bởi hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE, theo đó, đơn vị này cho biết hơn 75% tổng nguồn cung mới trong quý trước tại Hà Nội đến từ dòng hàng cao cấp, giá từ 60 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Quý III có hai dự án được chào bán, dao động 55-60 triệu đồng một m2. Thậm chí, quận Tây Hồ còn ghi nhận một dự án hạng sang chào bán gần 200 triệu đồng mỗi m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng thị trường nhà ở hiện nay chủ yếu là cao cấp "dành cho giới đầu tư, nhiều tiền". Còn phân khúc bình dân đáng lẽ phải phổ biến nhất, lại "tuyệt chủng", không thấy dự án mới. Ngay các dự án nhà ở xã hội - loại được xác định mức giá ưu đãi cho người lao động, thu nhập thấp - cũng triển khai ì ạch. VARS dẫn thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tính đến giữa tháng 7, cả nước mới đạt gần 36% chỉ tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025, gồm dự án đã khởi công, hoàn thành.
Tại hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội, TP HCM, việc xây nhà ở loại này còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, cho rằng phần lớn dự án mở bán mới nằm trong đại đô thị hiện hữu với mặt bằng giá đã neo cao. Chủ đầu tư khi tung ra sản phẩm mới sẽ tính toán kỹ tương quan giá bán với khu vực, nên những tòa mới khó có mức thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh.
Thời gian tới, nguồn cung căn hộ có xu hướng cải thiện nhưng phân khúc cao cấp vẫn dẫn dắt thị trường, còn bình dân tiếp tục biến mất. CBRE dự báo 3 tháng cuối năm, Hà Nội ghi nhận thêm hơn 10.000 căn, nâng tổng số căn mở bán năm nay lên 30.000 căn, cao nhất 5 năm. Vì có thêm nhiều dự án hạng sang mở bán vào cuối năm, mặt bằng giá sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) tiếp tục tăng.
Áp lực đè nặng lên người mua nhà
Một thực trạng đáng nói hiện nay là là giá nhà đang tăng mạnh, trung bình từ 15-20%, vượt khả năng chi trả của phần đông người dân. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong giải bài toán an sinh xã hội.
Cùng với việc kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân đánh giá thời điểm này với mặt bằng chung thu nhập của người lao động có thể mua được 1 căn nhà tại Hà Nội là điều không thể.
Số liệu thị trường chung cư Hà Nội trong Quý 3/2024 có hơn 75% tổng nguồn cung mới trong quý tới từ các dự án chung cư cao cấp, với mức giá sơ cấp trung bình trên 60 triệu đồng/m2. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, các căn hộ trên 4 tỷ chiếm 70% số lượng căn bán được, tăng mạnh từ mức 2% trong năm 2020. Các căn hộ từ 2 đến 4 tỷ chiếm 29% thị phần và chỉ 1% số căn hộ có giá dưới 2 tỷ.
Theo các chuyên gia việc vắng bóng các căn hộ giá rẻ bình dân đang làm thị trường căn hộ ngày càng đắt đỏ và khó sở hữu đối với đại đa số người dân. Do đó để thị trường có thể cân bằng hơn thì việc đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đang là việc cấp thiết giúp giá nhà hạ nhiệt trong thời gian tới.
VARS dự báo, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường khả năng sẽ sôi động hơn trong giai đoạn cuối năm khi hàng lang pháp lý mới chính thức đi vào cuộc sống.
Qua đó giúp các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án. Và nhà ở xã hội sẽ có thêm cơ hội tăng thêm nguồn cung ra thị trường nhờ vào các quy định mới này.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá, với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại Hà Nội khoảng 250 triệu đồng/năm, giá một căn hộ trung bình khoảng 4 tỷ đồng, người dân cần tới 18 năm tiết kiệm không tiêu xài để có thể mua được nhà. “Thu nhập trung bình chỉ tăng 6% mỗi năm, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình 17 - 20%”, bà Hằng nói.
Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho thấy, bất động sản là một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng nhưng thời gian qua giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đều chậm lại.
Theo Bộ Xây dựng, giao dịch mua nhà thực tế không nhiều do giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ngay cả khi lãi suất giảm chưa từng có người dân cũng không “mặn mà” bởi tâm lý lo ngại lãi suất thả nổi sau 2 năm tăng cao, trong khi thu nhập của người dân còn khó khăn.