Đồng Tháp: Nâng cao hiệu quả kiểm kê khí nhà kính cho cơ quan, doanh nghiệp

(CL&CS)- Sáng ngày 12/7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tập huấn về kiểm kê khí nhà kính cho cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các sở ngành như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Trường Đại học Đồng Tháp.

Chia sẻ trực tuyến tại hội nghị, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã trình bày tổng quan về các loại khí thải gây hiệu ứng khí nhà kính, về hoạt động báo cáo và thẩm tra báo cáo kiểm kê khí nhà kính, dấu chân carbon.

Đặc biệt, nội dung trình bày đã nhấn mạnh vai trò của việc áp dụng chuẩn mực quốc tế trong việc đo lường, tính toán, kiểm kê, báo cáo kiểm kê, báo cáo giảm phát thải, báo cáo trung hòa carbon và thẩm tra các báo cáo. Ông đã giúp hệ thống hóa các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến lĩnh vực đo lường, báo cáo và thẩm tra khí nhà kính (MRV), trong đó có cả tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu về các tổ chức đánh giá xác nhận độc lập.

Bộ tiêu chuẩn ISO 14060 gồm các tiêu chuẩn liên quan đến các giai đoạn khác nhau như kiểm kê, định lượng dấu chân carbon, tính toán carbon cho các dự án giảm thiểu/loại trừ khí nhà kính… Đây là những cơ sở quan trọng để hoạt động kiểm kê, báo cáo của doanh nghiệp Việt Nam được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đảm bảo phạm vi của các báo cáo mang tính toàn diện, bao trùm tất cả 6 nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp, sẽ đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy. Trong khi theo quy định hiện nay của Việt Nam việc kiểm kê chỉ bao gồm 1 nguồn phát thải trực tiếp và 1 nguồn gián tiếp.

Trước đó, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã giới thiệu về trung hòa carbon, thị trường tín chỉ carbon và việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14068-1:2023 trong tiến trình trung hòa carbon của các cơ sở. Tiêu chuẩn này giúp các cơ sở phương pháp khoa học để đánh giá, xác định đối tượng, phạm vi, quy mô, ranh giới hoạt động tạo ra hoặc giảm nhẹ/loại trừ khí nhà kính, từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch, lộ trình phù hợp tiến tới trung hòa carbon.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người. Đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong hiện tại và tương lai. Để ứng phó với những biến đổi này, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã phát triển hỗ trợ chuyển đổi tài liệu kiến thức khoa học thành công cụ giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu. Trong đó, Tiêu chuẩn ISO 14068-1: 2023 là chỉ số cung cấp một cách tiếp cận chuẩn hóa để đạt được và chứng minh tính trung hòa carbon. Tiêu chuẩn này áp dụng cho đối tượng là các tổ chức và sản phẩm…

Bên cạnh đó, các chuyên gia chia sẻ nhiều kinh nghiệm về: công cụ quốc tế nhằm thực hiện các chương trình trung hòa carbon; kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn; giảm phát thải, tăng cường loại bỏ, bù đắp qua đó chứng minh sự trung hòa carbon; ý nghĩa Tiêu chuẩn ISO 14060; ISO 14067… Đồng thời chia sẻ về các chính sách pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu; hướng dẫn các văn bản thi hành, nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để cơ quan, doanh nghiệp nhận thức được việc kiểm kê khí nhà kính…

TIN LIÊN QUAN