Thông tin với báo chí, Giám đốc Viện Năng suất Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Thi cho rằng, trong tổng số DN hoạt động tại Quảng Ngãi, hiện có 97% DN vừa và nhỏ. Phần lớn các DN này chưa coi trọng việc đầu tư và còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong áp dụng năng suất xanh.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi là một trong những đơn vị đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng năng suất
Ông Thi cho biết, hiện nay, nhiều DN ở Quảng Ngãi chưa nhận diện được sự lãng phí, không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải, nên không nhận thấy sự cần thiết áp dụng năng suất xanh để giảm chất thải. Do đó, Viện Năng suất Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH&CN truyền đạt kiến thức các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng để các DN mạnh dạn áp dụng và duy trì hiệu quả năng suất xanh, góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững.
Nói về Khái niệm "Năng suất xanh" (Green Productivity) do Tổ chức Năng suất Châu Á - APO đưa ra từ năm 1994. Năng suất xanh là một chiến lược để nâng cao năng suất đồng thời đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của các tổ chức, DN như giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có trách nhiệm với cộng đồng. Mục tiêu dài hạn của NSX là góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Năng suất xanh sử dụng tập hợp các công cụ, kỹ thuật và công nghệ quản lý để khuyến khích đổi mới và tạo ra một chu trình tăng năng suất liên tục. Các hệ thống quản lý, công cụ thường được áp dụng gồm: Hệ thống quản lý môi trường theo ISO:14000, hệ thống quản lý năng lượng theo ISO:50001 hạch toán chi phí dòng vật liệu MFCA theo tiêu chuẩn ISO 14021:2011, các giải pháp nhằm quản lý chuỗi cung ứng xanh...
Điển hình Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) là một trong những DN tiên phong tại Quảng Ngãi áp dụng năng suất xanh để phát triển bền vững. Công ty luôn đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ theo tiêu chuẩn quốc tế như 5S, MFCA, BSC, Lean Six Sigma. Nhờ đó, các đơn vị trong QNS theo từng loại hình sản xuất, kinh doanh đã được đánh giá chứng nhận các hệ thống quản lý về chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn cộng đồng như ISO:9001, ISO:14001, ISO:22000, FSSC:22000, HACCP, HALAL. Năm 2023, doanh thu của QNS đạt hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022.
Chị Trương Thị Bích Hà, chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng (QNS) cho biết, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị trực thuộc của QNS đã thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là phương pháp hạch toán chi phí dòng vật liệu MFCA, giúp giảm chi phí sản xuất đến từ các nguồn tiết kiệm như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu và tiết kiệm chi phí phát thải. Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác hại đến môi trường, đáp ứng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của công ty.
Thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 9 khóa đào tạo về năng suất, chất lượng cho gần 450 lượt người tham gia. Trong đó, có 3 khóa đào tạo tập trung vào nội dung năng suất xanh nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn, giúp DN dần tiếp cận để triển khai giải pháp năng suất xanh vào phục vụ quá trình sản xuất tại DN.
Theo Chị Lê Thị Thúy Kiều, nhân viên kiểm soát hệ thống quản lý (Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất) chia sẻ, sau khi tham gia các khóa đào tạo về năng suất xanh do Sở KH&CN phối hợp cùng Viện Năng suất Việt Nam tổ chức, bản thân tôi được tiếp cận, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới từ chuyên gia, cũng như được thực hành các công cụ, kỹ thuật trong năng suất xanh và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng nhiều DN khác. Từ đó, đẩy mạnh áp dụng phương pháp luận năng suất xanh vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Công Hòa, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh và năng suất xanh đang trở thành xu hướng áp dụng của các DN trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Các mô hình này không chỉ đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn mang đến nhiều lợi ích, giúp DN nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường.