Đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội bất ngờ “nóng” trở lại

Dự kiến trong năm 2024, huyện Mê Linh (Hà Nội) sẽ đấu giá khoảng 500 thửa đất trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong khi đó, huyện Đông Anh cũng chuẩn bị đấu giá 72 thửa đất, giá khởi điểm cao nhất 24 triệu đồng/m2.

Hàng trăm lô đất sắp được đấu giá

Đầu tiên phải kể đến là huyện Mê Linh (Hà Nội), trong năm 2024 này, huyện sẽ đấu giá khoảng 500 thửa đất trên địa bàn các xã, thị trấn. Theo đó, các khu đất đấu giá đều được quy hoạch ở vị trí đẹp, đón đầu dự án đường vành đai 4.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận sau năm 2025 và lên Thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.

Theo kế hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19 lô đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh vào chiều ngày 16/3 tại hội trường Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh.

Trong đó, các lô đất có diện tích từ 90,7 m2 đến 101,1 m2 với giá khởi điểm từ 23,2 triệu đồng/m2 đến 30 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước tham gia đấu giá từ 417,6 triệu đồng đến 606,6 triệu đồng.

Khu đất đấu giá có vị trí tiếp giáp với đường tỉnh lộ 308; giáp UBND xã và Trường THPT Tiến Thịnh; có hệ thống giao thông thuận lợi, được đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, đầy đủ các tiện ích.

Tiếp đó, ngày 28/3, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 26 lô đất tại khu Quán Chợ, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc.

Các lô đất đấu giá có diện tích từ 102 m2 đến 143,31 m2; giá khởi điểm từ 19 triệu đồng/m2 đến 22,5 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá; phương thức trả giá lên.

Cùng ngày, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia cũng tổ chức đấu giá 4 lô đất tại điểm X2, tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh. Diện tích các lô đất từ 125 m2 đến 129,06 m2; giá khởi điểm từ 26 triệu đồng/m2 đến 27 triệu đồng/m2.

Trong phiên đấu giá gần nhất vào ngày 30/1, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng đất đối với 47 lô đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh (đợt 2) thu về ngân sách hơn 136 tỷ đồng. Các lô đất có diện tích từ 90 m2 đến 123,7 m2; giá khởi điểm từ 20,4 triệu đồng/m2 đến 31,9 triệu đồng/m2.

Kết quả, tất cả các thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động từ 20,6 đến 56,1 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 136 tỷ đồng, chênh hơn 23 tỷ so với giá khởi điểm.

Đáng chú ý, theo kế hoạch, năm 2025, UBND huyện Mê Linh dự kiến triển khai 14 dự án, diện tích đất đấu giá là 11ha, quy hoạch khoảng 1.000 thửa đất. Theo UBND huyện Mê Linh, các khu đất đấu giá đều nằm ở vị trí trung tâm các xã, thị trấn, cạnh trục giao thông, khu đô thị… thuận lợi cho phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ.

Ngoài Mê Linh, một huyện khác cũng đang trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí để lên quận trong những năm tới đó là huyện Đông Anh sẽ đấu giá 72 thửa đất, giá khởi điểm cao nhất 24 triệu đồng/m2.

Cụ thể, vào cuối tháng 3 này, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia đang phối hợp với UBND huyện Đông Anh lên kế hoạch tổ chức đấu giá 72 thửa đất thuộc dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm.

Được biết, có 32 thửa đất trong khu LK3, diện tích dao động từ 87,5 m2 đến 167 m2. Giá khởi điểm từ 23,5 triệu đồng đến 24,5 triệu đồng/m2. Thửa đất có diện tích lớn nhất là 167 m2 có giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2, tương đương 4 tỷ đồng. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá dự kiến vào sáng ngày 24/3.

40 thửa đất còn lại thuộc khu Lk4 với diện tích dao động từ 87,5 m2 đến 144,5 m2. Giá khởi điểm từ 23,5 triệu đồng đến 24,5 triệu đồng/m2. Thửa đất có diện tích lớn nhất là 144,5 m2 có giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2, tương đương hơn 3,4 tỷ đồng. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá dự kiến vào sáng ngày 31/3.

Trước đó, huyện Đông Anh  cũng đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng các thửa đất trong khu LK6 thuộc dự án nói trên.

Đấu giá đất vùng ven Hà Nội bắt đầu “nóng” trở lại

Năm 2023 được coi là một năm khó khăn của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. Tuy nhiên, với lợi thế có hạ tầng được xây dựng đồng bộ, quy hoạch tại vị trí thuận lợi, pháp lý rõ ràng, đất đấu giá tại nhiều quận huyện của Hà Nội vẫn thu hút được nhiều người quan tâm. Đầu năm nay, nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất ở trên địa bàn.

Không chỉ các huyện đang phấn đấu chỉ tiêu để lên quận như Đông Anh hay Mê Linh, tại huyện Ba Vì vừa qua cũng đã tổ chức đấu giá hàng loạt lô đất và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Cụ thể, cuộc đấu giá đất ở đối với 29 thửa đất tại khu đất đấu giá (thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái) do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì tổ chức vào cuối tháng 2/2024, đã thu hút gần 90 người tham gia. Theo đó, mức giá khởi điểm của các thửa đất được đưa ra là 22,3 - 46,3 triệu đồng/m2, với hạ tầng đã xây dựng đồng bộ, vị trí gần Quốc lộ 32 và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 5 km. Trong cuộc đấu giá này, đã có 28 thửa đất được đấu giá thành công, trong đó thửa đất trúng giá cao nhất là 47 triệu đồng/m2.

Với bức tranh dần khởi sắc của thị trường bất động sản, niềm tin của nhà đầu tư đang trở lại, trong tháng 3 này và quý II tới, một số quận huyện như Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh… sẽ tiếp tục tung ra thị trường các khu đất đấu giá mới với hạ tầng được đầu tư, được quy hoạch gần các khu dân cư, kết nối với các trục giao thông chính có hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng cho việc hình thành các khu dân cư mới hiện đại và văn minh.

Với những ưu điểm kể trên nên đất đấu giá vẫn sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm. Việc đấu giá thành công ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024 sẽ giúp cho các địa phương hoàn thành được kế hoạch thu ngân sách từ đất đấu giá trong năm 2024.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam đánh giá, trong thời gian tới, thị trường đất nền sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá đất có thể tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ trở lại. Do giá bất động sản phụ thuộc vào yếu tố khác như việc triển khai hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân.

“Đất nền là loại hình mà bất kỳ thành viên nào của thị trường cũng có thể đầu tư do sự đa dạng về diện tích, mức giá, khu vực. Với các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, những khu đất ở nơi này vẫn sẽ tăng trưởng bền vững”, ông Tuấn nói.

Có thể nói trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự “sáng”, đặc biệt là đất nền thì phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực của người dân như đất đấu giá không chỉ là điểm sáng của thị trường nhà đất Thủ đô trong năm 2023 mà còn tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong năm 2024.

Những kết quả khả quan này sẽ là tiền đề quan trọng để các quận, huyện có những điều chỉnh trong việc quy hoạch các vị trí đất đấu giá phù hợp, giúp công tác đấu giá đất năm 2024 được thuận lợi và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

TIN LIÊN QUAN