Ngày 9-10/1 vừa qua, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021) đã diễn ra với sự tham gia của 150 doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn, uy tín trong nước và quốc tế. Triển lãm khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiên phong trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và phát kiến mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến về đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới. Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials vinh dự được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tham gia sự kiện này.
Masan High-Tech Materials (tên gọi cũ là Masan Resources) đã tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm vật liệu công nghệ cao tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam bên cạnh những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Thế giới trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, Hitachi Siemens, Viettel… cùng các đơn vị nghiên cứu công nghệ như Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội… Khu vực trưng bày sản phẩm của Masan High-Tech Materials thu hút đông đảo sự quan tâm của khách mời tham dự sự kiện. Masan High-Tech Materials là một trong những nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất Việt Nam. Mỏ Đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty quản lý và vận hành là mỏ vonfram quy mô lớn đầu tiên được triển khai và đưa vào sản xuất thành công trong 20 năm qua. Mỏ Núi Pháo đã được các nhà phân tích hàng đầu trong ngành công nghiệp khai khoáng đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng đã được chứng minh là 66 triệu tấn (theo Giấy phép khai thác khoáng sản là 83.220.000 tấn quặng vonfram – đa kim).
Trong những năm gần đây, Masan High-Tech Materials là một trong những doanh nghiệp khai khoáng, chế tạo vật liệu công nghệ cao có tiếng vang trong nước và quốc tế bởi những ưu điểm nổi trội trong hoạt động khai thác, tinh luyện khoáng sản và sản xuất vật liệu công nghệ cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp nặng trên toàn thế giới. Nhờ việc tập trung đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại và từng bước làm chủ được công nghệ mà công ty dần khẳng định được năng lực và vị thế của mình trên các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ năm 2015, Masan High-Tech Materials đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm công nghệ cao. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tối ưu hóa nguồn tài nguyên, Công ty đã tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực giàu chuyên môn, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, đem lại giá trị xuất khẩu cao. Năm 2017, Công ty đã đầu tư thêm hai dây chuyền công nghệ cao với số vốn trên 9 triệu USD, bao gồm: Dây chuyền tinh luyện Florit và dây chuyền thu hồi triệt để Vonfram bằng tuyển trọng lực. Đây là hai dây chuyền hiện đại nhất trên thế giới tại thời điểm đó.
Các dòng sản phẩm của Công ty là những thành tố then chốt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, tích hợp vào những cải tiến đang diễn ra trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ. Tháng 6/2020 Masan High-Tech Materials đã hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của Tập đoàn H.C.Starck Group GmbH có trụ sở tại Goslar, Đức. Việc mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của Tập đoàn H.C Starck đã mang lại cho Masan High-Tech Materials các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc; một nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh. Đồng thời, Masan High-Tech Materials đã làm chủ được công nghệ chế biến sâu từ H.C.Starck, bao gồm công nghệ chiết xuất sử dụng xút với tỷ lệ tái sử dụng hoá chất cao; công nghệ tinh chế siêu sạch sử dụng hóa chất để kết tủa tạp chất và công nghệ chiết xuất dung môi giảm thiểu nước thải ra môi trường.
Tiếp theo sau thương vụ mua lại mảng kinh doanh vonfram từ H.C. Starck, tháng 11/2020 Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Nhật Bản đã hoàn tất thỏa thuận thiết lập liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao. Bên cạnh đó, Masan High-Tech Materials còn là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng sử dụng kính thực tế ảo Hololens 2, một sản phẩm công nghệ mới nhất của hãng Microsoft cho hoạt động sản xuất, vận hành. Với kính thực tế ảo Hololens, các chuyên gia mặc dù không có mặt tại chỗ nhưng vẫn có thể “nhìn thực tế” và hướng dẫn nhân sự trực tiếp xử lý tình huống thành thục dễ dàng. Theo ông Craig Bradshaw, CEO của Masan High-Tech Materials, Masan High-Tech Materials là một trong số ít đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu kính thực tế ảo Hololens nhằm đảm bảo quá trình vận hành thông suốt và giảm tác động của Covid-19 nhiều chuyên gia vẫn đang mắc kẹt bên ngoài Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số xuyên suốt các hoạt động của Ban lãnh đạo Công ty.
Là nhà cung cấp các sản phẩm hoá chất khoáng sản tiên tiến và không ngừng đổi mới, tham dự Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo 2021, Masan High-Tech Materials khẳng định đổi mới sáng tạo là trọng tâm trong chiến lược phát triển của công ty, một phần trong chiến lược vươn ra toàn cầu, để chứng minh với thế giới là một công ty Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng và dẫn dắt ngành vật liệu công nghệ cao trên toàn thế giới. Thành công trong đổi mới sáng tạo của Masan High-Tech Materials là ở sự kết hợp giữa nền tảng nghiên cứu - phát triển đẳng cấp thế giới và đội ngũ kỹ sư ứng dụng tận tâm, giàu chuyên môn với khả năng phát triển các sản phẩm thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật khắt khe, nhờ đó đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng.