Đề cập đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Minh Trí (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, khối lượng công việc của Nghị quyết 43 rất lớn, thời hạn thực hiện không dài, nên phải khẩn trương và có tiến độ cụ thể.
Theo đại biểu, hiện nay, người dân và doanh nghiệp rất khó khăn, giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm, kể cả việc có tăng thì không đáng kể.
Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh nên việc không tăng thuế mà giảm, miễn thuế là quyết sách đúng, kịp thời, góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá bổ sung sâu hơn với việc miễn, giảm thuế, không chỉ ở mức 2% trong năm 2022 mà có thể 2 năm hoặc dài hơn.
Việc hỗ trợ cũng không nên cào bằng mà có sự chọn lọc ưu tiên để bảo đảm tính hợp lý, tập trung hỗ trợ khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hoặc có khả năng phục hồi nhanh, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và việc hỗ trợ này sẽ đánh giá hàng năm để có điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu Lê Minh Trí kiến nghị Chính phủ có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý.
Đồng thời, Quốc hội cũng cần có biện pháp giám sát hiệu quả, kết quả thực hiện, không để triển khai chậm, dẫn đến không đạt hiệu quả như yêu cầu và mong muốn.
"Khối lượng công việc Nghị quyết 43 của Quốc hội rất lớn và thời hạn thực hiện không dài, nên phải khẩn trương và có tiến độ cụ thể", đại biểu Lê Minh Trí nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cũng quan tâm đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 43. Theo đại biểu, Nghị quyết 43 là quyết tâm rất lớn của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ và trên thực tế Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương đôn đốc, nhưng thực tế lại chậm so với tiến độ, rất có thể có những mục tiêu trong nghị quyết đề ra phải hoàn thành trong năm 2022-2023 không thể thực hiện.
Đại biểu nhấn mạnh, không có nhiều lý do để chậm, vì: Thứ nhất là gói phục hồi triển khai trong bối cảnh khách quan có điều kiện thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi. Thứ hai là xét về nguồn lực, theo Nghị quyết 43 thì nguồn lực là sẵn sàng. Thứ ba là về quy trình thủ tục đã đơn giản hóa tới mức tối đa và cũng đã thực hiện phân cấp tới mức tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương, có những tiền lệ mà trước đây chưa bao giờ áp dụng.
“Liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian hay không? Nếu lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội thì cũng đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách. Nếu có thể được, Chính phủ cũng rà soát tổng thể, làm rõ đang chậm ở đâu, đang vướng ở đâu và cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ.
Chúng tôi luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt nhưng cũng rất mong chúng ta sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư công, quan tâm giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đang gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ phát sinh nợ xấu. Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhưng đại biểu cho rằng cũng cần đề phòng làn sóng mới của dịch và các vấn đề hậu Covid-19.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho rằng, việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp và người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân, như: Đề xuất cấp có thẩm quyền giảm một số loại thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, có chính sách bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đầu tư các dự án, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.