Theo phản ánh của người dân, tình trạng không có nước sinh hoạt hoặc rất yếu vào giờ cao điểm chiều tối khiến người dân thiếu nước trầm trọng, đặc biệt rơi vào khung giờ từ 17 - 21 giờ 30 phút mỗi ngày.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết suốt tuần qua, nước từ thượng nguồn không về được đến cửa thu nước tại trạm Cầu Đỏ mà chỉ đến trạm An Trạch (thượng lưu trạm Cầu Đỏ) với mực thấp. Điều này khiến việc lấy nước không hiệu quả, dẫn đến nước sinh hoạt bị yếu ở nhiều nơi cuối tuyến. “Ngày 10/4, độ mặn khoảng 8.000 mg/lít. Ngày 9/4, đỉnh điểm nhiễm mặn lên đến 10.000 mg/lít, bằng 1/3 độ mặn của nước biển" - ông Hương thông tin thêm.
Cũng theo ông Hương, vào ngày 10/4, lưu lượng nước về tại trạm An Trạch đạt mức khá nên công suất trạm bơm An Trạch đã được nâng lên. Nhờ vậy, công ty đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để cấp nước cho TP. Về hướng khắc phục, ông nói: "Chúng tôi sẽ sớm trình phương án xây đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ như đã từng thực hiện vào năm 2020 để lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu. Khi chủ trương được chấp thuận thì chúng tôi sẽ thi công ngay".
Trước tình trạng nhiễm mặn khốc liệt ở Đà Nẵng, ngày 6/4, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã đề nghị các đơn vị quản lý vận hành các hành các hồ chứa: A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 (thượng nguồn sông Cầu Đỏ) đảm bảo tuân thủ vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo cấp nước an toàn cho Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng có công văn giao Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo Dawaco và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nội dung này, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/4.
Trước đó, cuối năm 2019, đối mặt tình trạng nguồn nước thô nhiễm mặn gay gắt, Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam xây dựng công trình đắp đập tạm trên sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để đưa nước về đẩy mặn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Được biết, tuyến đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế có chiều dài 156 m, rộng 2 m, cao 3 m với trữ lượng cát dùng để đắp là khoảng 700 m3. Hiện nay, đơn vị thi công đang gấp rút đắp kín đoạn còn lại ở giữa với chiều dài khoảng 5 m. Sau khi hoàn thành, sẽ tiếp tục theo dõi tỉ lệ phân lưu dòng chảy của sông Vu Gia về sông Quảng Huế và sông Ái Nghĩa để điều chỉnh cao trình đỉnh đập tạm, tràn và thực hiện thêm giải pháp khác để bảo đảm tỉ lệ dòng chảy về sông Ái Nghĩa đạt tỉ lệ >70%, từ đó cung cấp ổn định nước sinh hoạt cho người dân.