Công cụ QCC góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất

(CL&CS) - Nhóm kiểm soát chất lượng hay Quality Control Circle – QCC, còn được gọi là Nhóm chất lượng được khởi xướng tại Nhật Bản từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, từ những nỗ lực của người Nhật đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên nền tảng con người làm trung tâm.

Một trong những mục tiêu của QCC là khuyến khích tinh thần tập thể của các thành viên, xây dựng tinh thần đồng đội và hỗ trợ nhau phát triển. Những thành viên làm ở cùng bộ phận có thể có cùng ý tưởng bởi vì họ cùng phải đương đầu với những vấn đề chung.

Công cụ QCC góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất

Nhóm kiểm soát chất lượng là một nhóm nhỏ (từ 6 – 10 người) gồm những người làm các công việc tương tự hoặc liên quan đến nhau, những người này tự nguyện thường xuyên gặp gỡ để thảo luận, trao đổi về các vấn đề có ảnh hưởng đến công việc hoặc nơi làm việc của họ, nhằm mục đích hoàn thiện chất lượng công việc cũng như cải tiến môi trường làm việc (Định nghĩa của JUSE).

QCC nên là các nhóm nhỏ, nếu là nhóm lớn thì sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức các cuộc họp vì khó tập hợp đủ các thành viên hoặc khó kiểm soát nội dung cuộc họp. Một vài thành viên không có cơ hội tham gia ý kiến sẽ mất đi sự hứng thú và kết quả thu được không cao. Nếu nhóm quá nhỏ thì sẽ hạn chế hơn việc đưa ra các sáng kiến cũng như cách giải quyết vấn đề. Nhiều người có thể nản lòng bởi khối lượng công việc mà họ phải xử lý. Do vậy, một nhóm nên có từ 6 đến 10 người.

QCC không chỉ hướng tới kết quả cụ thể mà còn giúp thành viên nắm bắt các công cụ và phương pháp giải quyết vấn đề chất lượng. Nó có thể áp dụng cho bộ phận sản xuất, dịch vụ, quản lý kinh doanh và nghiên cứu phát triển. QCC không chỉ tạo ra bầu không khí tích cực, môi trường làm việc thoải mái mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

Chẳng hạn, người lao động không chỉ hiểu biết hơn về chất lượng và thành thạo hơn trong cách giải quyết vấn đề mà còn giúp giảm bớt lãng phí, cải thiện ý thức về chất lượng trong tổ chức, tăng năng suất, nâng cao thu nhập của người lao động, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay, có khoảng 60 quốc gia trên thế giới đã triển khai và áp dụng mô hình này. Trong đó, hai quốc gia tiên phong và đạt được nhiều thành công áp dụng QCC trong hoạt động sản xuất là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Môi trường Long Trường Vũ đã từng bước áp dụng thành công mô hình này. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hóa chất, công nghệ xử lý nước, thị trường chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Thời gian đầu áp dụng, doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế như khó bố trí thời gian sinh hoạt, hoạt động thụ động, chưa thống nhất nhiều ý kiến. Qua sự hỗ trợ và tư vấn từ đội ngũ chuyên gia thuộc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), doanh nghiệp đã dần có những chuyển biến, đào tạo thêm nhiều kỹ năng cần thiết, năng suất lao động được cải thiện hơn.

Theo đánh giá của chuyên gia SMEDEC 2, lợi ích Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Môi trường Long Trường Vũ đạt được khi áp dụng mô hình là giảm chi phí, thời gian hoạt động; Nâng cao khả năng làm việc nhóm; Cải thiện phương pháp giải quyết công việc; Phát huy khả năng sáng tạo, tự tin của cán bộ nhân viên; Mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân và doanh nghiệp; Triển khai hiệu quả các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất khác.

TIN LIÊN QUAN