Bước chân vào con đường kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu đó, hiển nhiên doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Trong đó, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh những giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như: doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; đất nước tăng nguồn thu từ thuế...
Công cụ nào giúp danh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Có thể kể đến như áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn”; Giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất...
Trong khi đó, công cụ 6 Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp;
Công cụ cải tiến năng suất Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu MFCA giúp doanh nghiệp hình thành phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí; Hay công cụ Bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày...
Đã có khá nhiều doanh nghiệp được lợi từ việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, giúp nâng cao năng suất từ 15-30%. Như: Công ty CNC - Vina, Hà Nội tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Mỗi một công cụ sẽ có ưu, nhược điểm riêng, do vậy đòi hỏi sự nhanh nhạy và linh hoạt của nhà quản trị doanh nghiệp trong lựa chọn và áp dụng mô hình phù hợp nhất.