Cải tạo chung cư cũ: “Bài toán” khó giải mãi chưa xong

(CL&CS)-Hiện TP.HCM có đến gần 480 chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp cần xây dựng lại nhưng câu chuyện bất đồng giữa các hộ dân và chủ đầu tư cùng với việc di dời đã kéo dài rất nhiều năm vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để.

 

Di dời không dễ dàng

Phần lớn, các chung cũ trên địa bàn TP.HCM đều xuống cấp khá nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Dù đã được Nhà nước lên kế hoạch triển khai cải tạo nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ vì vấn đề di dời toàn bộ người dân chưa thể giải quyết. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần thuyết phục, tạo điều kiện cho người dân có nơi ở mới nhưng số lượng người dân đồng ý di dời lại vô cùng ít ỏi.

Chị Nguyễn Xuân An một người dân sinh sống tại một chung cư cũ Quận 5 chia sẻ: “Cán bộ ở đây đã nhiều lần gặp mặt, thương lượng để chúng tôi đồng ý chuyển đến nơi ở mới nhưng giá bồi thường lại không rõ ràng, tôi càng không biết mức giá chỗ ở mới là bao nhiêu. Chúng tôi lo sợ sau khi chuyển đi rồi không đủ tiền chi trả lại phải vướng nợ nần”.

Chị An cho biết thêm, xung quanh chung cư chị đang sống dân cư tập trung đông đúc, nhiều quán xá, lượng người ra vào tấp nập nhà chị lại nằm ngay tầng trệt của chung cư thuận tiện cho việc kinh doanh mua bán cũng như cho thuê mặt bằng hàng tháng. Trong khi chung cư mới phải ở trên tầng cao dân cư lại không đông đúc như nơi này chị và gia đình sẽ mất đi nguồn thu nhập lớn. Chưa kể các khoản chi phí phát sinh thêm như phí giữ xe, phí quản lý, phí bảo trì…

Có thể thấy phần lớn người dân không chịu di dời vì chưa ý thức rõ được sự nguy hiểm của chung cư cũ và lo sợ bị mất những quyền lợi cũng như chưa rõ ràng về giá cả căn hộ mới. Hiểu rõ được những bất an của người dân các cơ quan chứng năng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình làm thủ tục định giá chung cư và hoàn tất các thủ tục pháp lý để nhanh chóng di dời các hộ dân.

Trong khi đó, chủ đầu tư xây dựng tại chung cư cũ ở Quận 4 đã đưa ra phương án tái định cư mới. Đổi 1m2 chung cư cũ lấy 1,1 m2 chung cư mới, đối với những hộ dân không đồng ý thì có thể bán lại căn hộ cho chủ đầu tư với mức giá 27,5 triệu/m2. Phương án này đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận của người dân nhưng vẫn còn một số bộ phận nhỏ chưa chịu di dời.

Mặt khác, có những người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm và mong muốn chung cư được nhanh chóng cải tạo và di dời đến nơi ở mới. Nhưng theo quy dịnh để có thể xây dựng lại chung cư phải nhận được sự đồng ý 100% của tất cả hộ dân.

Đối với các chung cư thuộc sở hữu Nhà nước thì việc bồi thường trở nên khó khăn hơn, những vướng mắt thường gặp như phải bồi thường cho Nhà nước những diện tích chung hành lang, lối đi, khuôn viên.. Khó kêu gọi được chủ đầu tư, không thể xây chung cư mới khi diện tích chung cư cũ quá nhỏ và việc thỏa thuận tái định cư với người dân không thành công.

Khó tìm được chủ đầu tư

Ngoài khó khăn trong vấn đề di dời người dân thì việc không tìm được chủ đầu tư cũng là một “nút thắt” khó gỡ. Nhiều chung cư cũ tại TP.HCM đã xuống cấp trầm trọng nhiều mảng trần nhà bong tróc lộ ra lớp sắt rỉ sét, quần áo, đồ đạc để khắp các dãy hành lang chắn hết các lối đi, dây điện chằng chịt khoảng cách gần sát nhà các hộ dân. Nguy hiểm luôn tiềm ẩn và có thẻ bùng phát bất cứ khi nào, những hình ảnh không đẹp từ các chung cư cũ này gây mất mỹ quan cho thành phố.

Chính quyền các địa phương cũng đã nhanh chóng thực hiện công tác di dời và tìm kiếm các chủ đầu tư triển khai dự án xây dựng lại chung cư mới nhưng chưa có dấu hiệu tiến triển. Để có được sự thống nhất giữa các hộ dân và chủ đầu tư không phải là việc để có thể thực hiện dễ dàng.

Hầu hết các chủ đầu tư đều muốn nâng cao giá trị chung cư để tăng khả năng thu hồi vốn và sinh được lời nhuận. Tuy nhiên, phần lớn các chung cư cũ đều có vị trí nằm gần trung tâm thành phố diện tích hạn chế và giới hạn về chiều cao khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong vấn đề quy hoạch cũng như tạo ra được lợi ích như mong muốn, khiến cho dự án triển khai chậm hơn thậm chí là bị đình trệ.