Các luật sẽ sớm được đưa vào sử dụng?
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực mà Quốc hội đã thông qua cuối năm ngoái.
Luật Nhà ở 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở; sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở; bổ sung hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ.
Luật cũng bổ sung hai chính sách mới là "phát triển nhà lưu trú công nhân" và "phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang".
Cụ thể, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như hiện hành, đối tượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân; đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Còn Luật Kinh doanh bất động sản 2023 mang nhiều nội dung mới có tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 còn thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cũng theo hồ sơ thẩm định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội... Qua đó, kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của doanh nghiệp, người dân.
Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai 2024 quy định về thời điểm có hiệu lực của luật này.
Theo dự thảo Nghị quyết, Điều 252 sẽ được sửa đổi, bổ sung thành "Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết mới được thông qua, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn dự kiến sáu tháng, thay vì có hiệu lực ngày 1-1-2025 như được ghi trong luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành khác xây dựng dự thảo, tờ trình để Chính phủ trình lên Quốc hội thông qua.
Về lý do phải điều chỉnh hiệu lực của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan.
Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất...
Thị trường sẽ không còn xuất hiện “bong bóng”?
Nhiều ý kiến đánh giá, việc các điều luật được đánh giá khi áp dụng sẽ tạo ra một thị trường nhà đất minh bạch, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu mua nhà đất, tránh tình trạng “bơm thổi, bong bóng” bất động sản.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính BĐS Dat Xanh Services cho biết: “Việc thông qua Luật đất đai 2024 và Luật các tổ chức tín dụng, góp phần hoàn thiện bộ khung thể chế cho ngành bất động sản.
“Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Điều này cũng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, ông Khôi nhận định.
Theo các chuyên gia, nhiều điểm mới của luật được đánh giá sẽ thuận lợi cho người dân, gỡ khó cho doanh nghiệp, làm tăng nguồn cung cho thị trường với giá hợp lý hơn. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, ảnh hưởng thị trường bất động sản.
“Nếu luật mới được áp dụng sớm (cụ thể từ 1/7/2024) dự báo chất lượng các dự án bất động sản cũng sẽ được cải thiện nhờ nhiều quy định chặt chẽ hơn về quy chuẩn bàn giao, tiến độ,…Ví dụ, Điều 36 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, không được ủy quyền/giao cho bên hợp tác khác ký hợp đồng, chỉ được chuyển nhượng đất sau khi đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phải đảm bảo theo tiến độ các phân kỳ đã đăng ký”, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính BĐS Dat Xanh Services nhận định.
Bên cạnh đó, chính những quy định mới ràng buộc các chủ đầu tư phải chuẩn chỉnh trong các khâu phát triển dự án, nên người tiêu dùng nhìn chung hưởng lợi từ những thay đổi về luật. Trong đó, 2 đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người Việt Nam ở nước ngoài và người thuộc diện tái định cư/được bồi thường.
Theo các thống kê, khoảng 15-20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Những thay đổi trong luật tạo khung pháp lý chính thống và nhiều chính sách linh hoạt hơn, quy định Người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở (trước đây chỉ cho thuê, ủy quyền quản lý nhà không sử dụng). Điều này sẽ mở rộng hơn cơ hội thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường bất động sản.