Bất động sản Thăng Long trúng dự án hơn 3.300 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 1063/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bàu Giang, TP.Quảng Ngãi.
Theo đó, nhà đầu tư đạt yêu cầu là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Bất động sản Thăng Long) có địa chỉ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Được biết, trước đó có 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án này gồm: Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh, Công ty TNHH Xây dựng Thành Công Vĩnh Phúc, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long.
Theo kết quả đánh giá yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi công bố, Đồng Khánh và Thành Công Vĩnh Phúc không đáp ứng cả về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Cụ thể, với Đồng Khánh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ 343 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu vốn chủ sở hữu của dự án là 500 tỷ đồng; về kinh nghiệm, nhà đầu tư với vai trò là nhà thầu chính xây lắp với công trình giá trị 370 tỷ đồng, cũng nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu là 970 tỷ đồng.
Về Thành Công Vĩnh Phúc, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ 9,44 tỷ đồng và với vai trò là nhà thầu chính xây lắp kê khai công trình giá trị 123 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu.
Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị Bàu Giang có tổng vốn đầu tư 3.318 tỷ đồng, cơ cấu vốn đầu tư sơ bộ về chi phí thực hiện dự án (không bao gồm bồi thường, hỗ trợ tái định cư,GPMB) khoảng 3.211 tỷ đồng; sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB khoảng 107 tỷ đồng.
Nguồn vốn đóng góp (vốn chủ sở hữu) của nhà đầu tư dự kiến ít nhất chiếm 15%; vốn huy động (vay từ Ngân hàng thương mại) dự kiến 85% vốn đầu tư dự án.
Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, địa điểm thực hiện dự án tại 2 phường Chánh Lộ, Nghĩa Lộ thuộc TP. Quảng Ngãi và xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa.
Được biết, dự án này được công bố danh mục ngày 22/9/2022, hết hạn nộp hồ sơ ngày 28/10/2022, sau đó được gia hạn đến 18/11/2022 để thu hút thêm nhà đầu tư tham dự.
Dự án Khu đô thị Bàu Giang có quy mô khu dân cư với diện tích 495.932 m2, gồm đất ở và thương mại dịch vụ; đất thương mại dịch vụ; đất nhà văn hóa, trạm y tế, giáo dục và đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác.
Trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại 46.089 m2, với 294 căn nhà ở nằm trên trục đường chính, gồm nhà ở liên kế 33.580m2/254 căn; nhà ở biệt thự đơn lập 12.509m2/40 căn, nằm trên các trục đường Phan Đình Phùng nổi dài, Trần Quang Khải và đường phía Bắc dọc sông Bàu Giang.
Đất ở bán nền 119.874m2/795 lô đất, trong đó đất ở liên kế 82.742m2/669 lô đất và đất ở biệt thự 37.132 m2/126 lô; đất ở kết hợp thương mại dịch vụ 1.796 m2; đất nhà ở xã hội 19.292 m2/274 căn, do nhà đầu tư xây dựng (thuộc địa bàn TP.Quảng Ngãi).
Ngoài ra phần đất thương mại dịch vụ 4.446 m2; đất nhà văn hóa, trạm y tế, giáo dục 11.455m2; đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác 292.980 m2.
Phi vụ tăng vốn thần tốc của Bất động sản Thăng Long
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp trúng thầu dự án - Công ty CP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long thành lập ngày 24/5/2017, ngành nghề chính là xây dựng nhà các loại. Vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, cơ cấu sáng lập gồm: bà Dương Thị Lan Anh góp 43% với 1,29 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Hợp góp 55% với 1,65 tỷ đồng, và ông Nguyễn Anh Đức góp 2% với 60 triệu đồng. Người đại diện pháp luật tại thời điểm mới thành lập là Giám đốc Hoàng Phú Thịnh (SN 1982).
Điều đáng nói là quá trình doanh nghiệp này tiến hành tăng vốn một các thần tốc. Cụ thể, chỉ sau một ngày đăng ký thành lập, Bất động sản Thăng Long đã nâng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nguyễn Văn Hợp vẫn góp 55 tỷ đồng (chiếm 55%), còn 2 cổ đông Nguyễn Anh Đức và Dương Thị Lan Anh không rõ số vốn góp. Và ngành nghề kinh doanh chính đổi thành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Sau đó đến ngày 26/5/2017, Công ty tiếp tục đăng ký nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, cơ cấu sáng lập có ông Nguyễn Văn Hợp góp 275 tỷ đồng (chiếm 55%) và 2 cổ đông Nguyễn Anh Đức và Dương Thị Lan Anh không rõ số vốn góp.
Đến ngày 17/7/2017, doanh nghiệp lại tăng vốn điều lệ lên gấp đôi với 1.000 tỷ đồng, cổ đông góp là ông Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Anh Đức và Dương Thị Lan Anh, không rõ vốn góp của từng người.
Chưa dừng lại ở đó đến ngày 7/12/2017, Bất động sản Thăng Long tiếp tục nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Tuy nhiên không rõ cơ cấu cổ đông. Người đại diện pháp luật khi này là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hậu (SN 1981). Đến 16/5/2018, Công ty thay đổi đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám Đốc Nguyễn Lệ Quế (SN 1973).
"Bóng dáng" Tập đoàn Phúc Sơn tại Bất động sản Thăng Long
Sau nhiều lần thay đổi người đại diện pháp luật, hiện tại người đại diện pháp luật của công ty là Tổng Giám đốc Hoàng Quang Hùng (SN 1981) và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hậu (SN 1981).
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Hậu còn được biết đến là chủ tịch và là người đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn Phúc Sơn. Một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại Vĩnh Phúc.
Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn sở hữu hàng loạt bất động sản đình đám tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ như: Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn quy mô 130ha; Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha,...
Ngoài các dự án bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn trúng thầu xây dựng một số công trình: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng,... Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn còn tiến quân vào phía Nam với dự án BT sân bay Nha Trang cũ. Cụ thể, Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án hạ tầng. Đổi lại, tỉnh này sẽ giao 62,3ha phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở Sân bay Nha Trang cũ để Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Thời gian qua, Tập đoàn Phúc Sơn gây xôn xao dư luận khi bị UBND tỉnh Khánh Hòa “nhắc nhở” về việc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng tại dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ). Số tiền gần 12.000 tỷ nói trên được dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo số 680 năm 2019 và văn bản mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa.