Theo đó, Bình Dương tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp, phát triển các nguồn năng lượng mới có tiềm năng trên địa bàn tỉnh, như điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối…
Bình Dương tập trung phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh (hình minh họa)
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết Bình Dương định hướng quy hoạch lưới điện từng bước ngầm hóa đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác như viễn thông, truyền hình, cấp thoát nước… tại các khu vực quy hoạch ổn định. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức mạng lưới trạm sạc điện tại các khu vực khu chung cư, khu công cộng, khu đầu mối hạ tầng năng lượng… đáp ứng nhu cầu năng lượng theo chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông - vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng đối với nguồn năng lượng xăng dầu, khí đốt, Bình Dương sẽ phát triển hệ thống hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, với tổng sức chứa kho xăng dầu khoảng 110.100m3, sức chứa kho LPG 6.000 - 7.000m3. Bình Dương cũng phát triển hệ thống cung ứng nhiên liệu theo hướng chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, như trạm nạp điện cho xe động cơ điện, sử dụng nhiên liệu sinh học, hydrogen đáp ứng mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050.
Trong thời gian tới, các trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cấp công suất phát, như trạm 500kV Tân Định và Tân Uyên công suất phát hiện tại 1.800MVA sẽ nâng lên thành 2.700MVA vào năm 2030. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ xây dựng mới 2 trạm 500KV Bình Dương 1 và Bình Dương 2, với công suất vào năm 2030 là 1.800MVA và 2.700MVA sau năm 2030. Đến năm 2030, ngành điện sẽ đầu tư 7 trạm 220kV với công suất 6.250MVA, sau năm 2030 đầu tư thêm 3 trạm 220kV với công suất 750MVA. Đối với trạm 110kV, bên cạnh 41 trạm hiện hữu hầu hết đang trong tình trạng đầy tải, ngành điện sẽ được đầu tư xây dựng mới 109 trạm 110kV.
Đối với điện mặt trời, đến năm 2030 nhu cầu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.497MW, đến năm 2050 là 5.359MW; đến năm 2030 nhu cầu ngoài khu công nghiệp là 1.781MW. Riêng điện sinh khối từ rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương công suất phát 9,6MW, sau năm 2030 sẽ nâng cấp, xây dựng bổ sung.
Bình Dương còn quy hoạch Nhà máy điện rác Biwase công suất 30,4MW; Nhà máy điện rác khu xử lý chất thải Tân Long, huyện Phú Giáo quy hoạch đến năm 2030 là 30MW, sau đó nâng lên 40MW; Nhà máy điện rác tại khu xử lý chất thải Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên có công suất 10MW, sau năm 2030 là 20MW.