Dự án Đông Bình Dương nằm tại phường Tân Bình, TP. Dĩ An có tổng diện tích 126ha, do Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương làm Chủ đầu tư, mặc dù chưa được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định, chưa được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án khu đô thị Đông Bình Dương đã ngang nhiên huy động vốn trái phép của khách hàng và tổ chức thi công hạ tầng trái phép.
Theo tìm hiểu, dự án tái khởi động vào năm 2019, nhưng từ năm 2016 chủ đầu tư đã giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng HHA tự mở bán, tiến hành thu tiền, huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức “hợp đồng hợp tác đầu tư” với mức thu từ 70%-95% tổng giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn nằm yên, chưa có động thái xây dựng.
Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án vẫn đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương về phân kỳ tiến độ, dự án vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong hết, chưa có giấy phép xây dựng.
Nguồn tin từ báo Bình Dương cho hay, ngay từ năm 2018 khi mới chỉ có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của TX Dĩ An (nay là UBND TP Dĩ An), chủ đầu tư đã tiến hành thi công các hạng mục hạ tầng trong dự án. Sở Xây dựng đã nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Một dự án khác phải kể đến là dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza) tại phường Vĩnh Phú, TX Thuận An (nay là TP Thuận An), do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong) làm chủ đầu tư.
Được biết, dự án này đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2010. Báo Bình Dương đưa tin, đến năm 2019, khi đang xây dựng dang dở, chủ đầu tư dự án bất ngờ có văn bản xin điều chỉnh diện tích và tăng số tầng cao từ 28 lên 32. Đến tháng 11 năm 2019, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Công ty Tường Phong được lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thương mại dịch vụ Contenment Plaza với chiều cao công trình 99,5m; khối căn hộ có số tầng là 32 tầng, khối văn phòng có số tầng là 29.
Mặc dù dự án Roxana Plaza chưa đủ điều kiện để bán nhà hình thành trong tương lai nhưng Công ty Tường Phong đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần Naviland mở bán căn hộ khi chưa đủ pháp lý. Đây là hình thức huy động vốn trái phép của phía Công ty Tường Phong và Công ty Cổ phần Naviland.
Anh Nguyễn Anh Đức, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh, người mua căn hộ A1-0939 của dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza) tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, do Công ty Tường Phong làm chủ đầu tư, cho biết: “Sau 5 năm tôi đóng tiền cho chủ đầu tư, nhưng đến nay tôi và những khách hàng khác đều chưa được bàn giao nhà như chủ đầu tư cam kết trước đó”.
Trong hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng, Công ty Naviland cam kết sẽ bàn giao căn hộ vào ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, nhiều lần sau đó, chủ đầu tư xin dời ngày bàn giao nhà. Đến ngày 20/5/2021, một lần nữa Công ty Naviland gửi thông báo đến khách hàng tiếp tục dời ngày bàn giao trong khoảng từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022. Trước thông báo này, gần 300 khách hàng tiếp tục gửi đơn yêu cầu công ty lên tiếng trả lời những khúc mắc dẫn đến việc chậm trễ, nhưng không có hồi âm.
Ngày 26/6/2021, Công ty Naviland đã tổ chức họp mặt nhóm đại diện khách hàng để trao đổi các vấn đề liên quan dự án. Cũng tại buổi họp này, Ban Giám đốc công ty không đưa ra bất cứ một cam kết cụ thể nào về thời gian bàn giao căn hộ. Phía công ty cho rằng tiến độ dự án sẽ phụ thuộc hoàn toàn việc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các thành viên của Công ty Naviland. Lo lắng như “ngồi trên đống lửa” về khoản tiền mình đã đóng cho chủ đầu tư có nguy cơ mất trắng, rất đông khách hàng đã nhiều lần căng băng rôn tại dự án yêu cầu Công ty Tường Phong và Công ty Naviland bàn giao căn hộ, cũng như viết đơn cầu cứu ngành chức năng giải quyết.
Sau nhiều lần hứa hẹn và trả lời khách hàng “tạm ngưng xây dựng vô thời hạn”, đầu tháng 6 vừa qua Công ty Tường Phong và Công ty CP Naviland đã họp khách hàng và thông báo Công ty Tường Phong sẽ ký lại hợp đồng với khách hàng. Trước sự việc này, nhiều người mua căn hộ tại dự án này không khỏi hoang mang, lo lắng.
Ngoài ra, dự án Khu nhà ở Suối Giữa thuộc phường Tương Bình Hiệp và phường Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu (gọi tắt là Công ty Á Châu) làm chủ đầu tư, có trụ sở tại TP.HCM. Dự án được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt theo quyết định 1192/QĐ-UBND ngày 24-10-2012, tại phường Tương Bình Hiệp, phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Dự án có tổng diện tích tự nhiên 306.348,6m2. Sau đó dự án được điều chỉnh diện tích còn 306.328,3m2, giảm 20,3m2 so với tổng diện tích đã được duyệt trước đó. Ngày 3-8-2015, UBND TP Thủ Dầu Một tiếp tục có quyết định 2577/QĐ-UBND về việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch dự án nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp.
Theo quyết định phê duyệt mới, dự án được tiến hành theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 từ năm 2015 – 2017, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Giai đoạn 2 từ năm 2017 – 2019, chủ đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục chức năng còn lại trong quy hoạch, các công trình công cộng sẽ hợp tác với chủ đầu tư cấp II tham gia đầu tư. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, dù mới chỉ được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng Công ty Á Châu đã tiến hành rao bán nền trái phép khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý; đồng thời công ty đã “bán lúa non” qua hình thức tổ chức ký hợp đồng nhận tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng.
UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt 285 triệu đồng vì vi phạm quy định về huy động vốn hoặc chiếm dụng vốn trái phép tại dự án.
Anh Phạm Minh Tuấn (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bức xúc khi đã đóng hàng trăm triệu vào dự án mà đất không biết chừng nào mới có.
Anh Tuấn cho biết, năm 2020, Công ty Á Châu bị phạt gần 300 triệu đồng vì bán đất chưa đủ điều kiện giao đất. Mà việc bán này diễn ra từ 2017, đến 2020 mới bị phạt. Vậy doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hay không, chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Sau khi bị xử phạt, tưởng chừng chủ đầu tư sẽ triển khai tiếp tục dự án nhưng mọi hy vọng của khách hàng đều trở nên vô nghĩa khi chủ đầu tư vẫn tiếp tục im lặng. Từ năm 2020 đến nay, hàng trăm người dân đã liên tục gửi đơn cầu cứu tới chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng. Thậm chí, nhiều lần người dân đã kéo xuống UBND tỉnh Bình Dương xin được gặp lãnh đạo chính quyền đề cầu cứu…
Nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc, Anh T. đã chi tiền mua mấy lô tại dự án Tương Bình Hiệp. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, anh T. phải đóng 30% trên tổng giá trị 1 nền đất. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, dự án vẫn “đắp chiếu”. Anh T và rất đông những khách hàng khác nhiều lần tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án hoặc trả lại tiền, nhưng đến nay vẫn phải mòn mỏi chờ đợi. Đa số những khách hàng này đã nộp đủ tiền mua đất nền từ năm 2017 với danh nghĩa là “hợp đồng giữ chỗ” và “hợp tác đầu tư”.