Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900 ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89.200 ha, bao gồm 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
Nhiều gam màu sáng cho nhóm doanh nghiệp bất động sản Khu công nghiệp
Thống kê từ 27 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 1/2024, tổng doanh thu đạt 8.148 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý liền trước (quý 4/2023), cả doanh thu và lãi ròng giảm lần lượt 44% và 59%.
Trong số các doanh nghiệp tăng trưởng tốt có CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (HOSE: CCI), nhờ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán tại VAB gần 8 tỷ đồng, giúp CCI đạt lãi ròng đạt giá trị 11,79 tỷ đồng, gấp 18,7 lần cùng kỳ, là mức lãi cao nhất trong 4 quý vừa qua.
Năm 2024, CCI đặt kế hoạch doanh thu gần 473 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 6% so với năm 2023. So với kế hoạch, CCI thực hiện được lần lượt 22% và 44%.
Họ Sonadezi góp mặt 2 cái tên với Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) doanh thu gần 214 tỷ đồng và lãi ròng hơn 65 tỷ đồng, gấp lần lượt 3,4 lần và 5,5 lần cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ khoản thu cho thuê đất và phí quản lý gần 194 tỷ đồng, gấp gần 7,4 lần cùng kỳ và chiếm tới 91% doanh thu.
So với kế hoạch 881 tỷ đồng doanh thu và hơn 228 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2024, SZC đã đi được lần lượt 24% và 29% sau quý 1.
Sonadezi Long Bình (HNX: SZB) lãi ròng hơn 105 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ, nhờ phát sinh khoản doanh thu từ mảng chuyển quyền thuê đất hơn 108 tỷ đồng.
Bất động sản khu công nghiệp có nhiều dư địa tăng trưởng
VARS cho rằng, thị trường Việt Nam như “ngôi sao đang lên" của khu vực Đông Nam Á. Do vậy, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế.
Cụ thể, sự phát triển của ngành logistics sẽ kéo theo nhu cầu về kho bãi và trung tâm logistics gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. Các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước cũng đã và đang tích cực mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động tại Việt Nam.
“Các "ông lớn" bất động sản khu công nghiệp cũng đã nhanh chóng đón đầu cơ hội bằng cách nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tự động hóa vào sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, VARS nhận định.
Cũng theo VARS, dù thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức. Các khu vực kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất công nghiệp do tình trạng đô thị hóa nhanh chóng và sự cạnh tranh cao về đất đai. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của các khu công nghiệp.
Cùng với đó là chính sách và thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, mất thời gian và chi phí, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Việt Nam vẫn thiếu hụt lao động trình độ cao, việc quản lý môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các khu công nghiệp cũ và các khu vực phát triển nhanh.
Do nhu cầu ở mức cao và đang trong xu hướng tăng, đã đẩy giá thuê đất khu công nghiệp tại các địa phương lên cao, với mức tăng ổn định từ 8 - 12%/năm. Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất; thương mại điện tử, máy móc, linh kiện điện tử.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), để duy trì được vị thế này là do Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi thuế. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.