Nếu như khoảng 3 năm về trước, một bộ phận lớn nhà đầu tư có xu hướng "đánh bắt xa bờ" để tìm kiếm cơ hội sinh lời tại các vùng đất mới thì thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đang chứng kiến cuộc "di cư" tiến dần về các khu vực ven đô.
Trước sự chuyển dịch đó, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là khoảng cách cùng tâm lý đầu tư theo số đông khiến một số khu vực bị đẩy giá lên cao gấp nhiều lần giá trị thực, nhiều nhà đầu tư "mắc cạn" khi nhập cuộc đúng lúc thị trường chạm đỉnh.
Trong khi đó, với lợi thế địa giới hành chính nằm sát Thủ đô, chỉ cách khu vực trung tâm Hà Nội khoảng 45 phút di chuyển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, thu hút FDI mạnh mẽ, lượng cư dân đổ về sinh sống ngày một đông, dư địa còn lớn…BĐS ven đô đang nổi lên như một điểm sáng mới dành cho giới đầu tư đang tìm kiếm các sản phẩm tiềm năng.
Đặc biệt, một yếu tố làm tăng sức hấp dẫn của thị trường BĐS vùng Thủ đô đó chính là đòn bẩy từ quy hoạch hạ tầng. Những năm qua, hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng đã từng bước được nâng cấp, cải thiện, góp phần gia tăng kết nối, tạo động lực phát triển giao thương, kinh tế. Đơn cử như 7 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh,….Mới đây nhất, để thúc đẩy phát triển liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh, thành trong Vùng thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các tuyến đường bộ cao tốc như đường Vành đai 4, Vành Đai 5…Đây được coi là lực đẩy cực lớn góp phần tạo sự sôi động cho thị trường BĐS vùng Thủ đô.
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đã và đang từng bước khớp nối hình thành mạng lưới kết cấu giao thông giữa các tỉnh vùng Thủ đô, mở rộng giao thương, tạo sức bật lớn cho nền kinh tế khu vực. Một tỏng những tuyến giao thông hạ tầng rõ nhất phải kể đến là tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây được xem là tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Ngay sau khi được đưa vào khai thác, những hiệu quả tuyến giao thông này mang lại là tương đối rõ nét. Năm 2010, khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam mới chỉ có 2 khu công nghiệp (KCN) là Đồng Văn I và Đồng Văn II… thì đến nay, Hà Nam có 12 KCN và 10 cụm công nghiệp đang hoạt động và quy hoạch mới.
Theo nguồn tin từ Nhà đầu tư, tại tỉnh Hà Nam nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 91% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN vào khoảng 80%, trong đó KCN Đồng Văn I, II có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.060 dự án đầu tư còn hiệu lực trong đó: 339 dự án FDI và 721 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 4,57 tỷUSD và trên 146 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hà Nam ước đạt 41.430 tỷ đồng, tăng 8,85% so với cùng kỳ, cao thứ 3 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và thứ 6 toàn quốc.
Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Nam dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,7%; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 35% (năm 2020) lên khoảng 47 – 52% (năm 2030).
Giới chuyên gia nhận định, đầu tư BĐS Hà Nam hiện đang là một hướng đi đầy triển vọng bởi Hà Nam sở hữu vị trí chiến lược ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô, gần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, với sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian tới, đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư biết nắm bắt thời cuộc khi gửi gắm dòng tiền tại các khu đô thị mới hiện đại, gần các KCN đông đúc.