Áp dụng tích hợp ISO 22000 và ISO 14001 trong các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm

(CL&CS) - Trong số các ngành sản xuất hiện tại, ngành sản xuất – chế biến thực phẩm với đặc điểm sử dụng nhiều lao động và là một trong số các ngành dễ bị tổn thương bởi các thay đổi về chính sách thương mại và cạnh tranh về năng suất - chất lượng. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ngành sản xuất chế biến thực phẩm đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Do đó việc hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng suất chất lượng cho ngành này có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành và nền kinh tế.

Giải pháp cho các doanh nghiệp sản xuất – chế biến thực phẩm áp dụng tích hợp hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 đã giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý của doanh nghiệp phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO, đồng thời thể hiện cam kết của doanh nghiệp ngành thực phẩm trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới trách nhiệm xã hội bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, tích hợp hai hệ thống sẽ giúp hệ thống tài liệu được tích hợp sử dụng chung, tránh được sự cồng kềnh; rút ngắn thời gian và chi phí đến 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ.

Công cụ năng suất chất lượng 5S là hệ thống triết lý và công cụ tập trung vào tổ chức, bố trí sắp xếp mặt bằng giúp nơi làm việc sạch sẽ ngăn nắp hơn, chỗ làm việc trở nên thuận tiện và an toàn hơn. Từ đó tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian sản xuất, cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời tăng khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Nhiệm vụ Nhân rộng áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) với Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001), kết hợp với công cụ cải tiến 5S cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, mã số 03.7/2019-DA2 được Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý phát triển doanh nghiệp Á Châu (AHEAD) triển khai thực hiện từ năm 2019 trên cơ sở kế thừa, tiếp nối và kinh nghiệm thực tế từ các nhiệm vụ áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý của nhiều nhiệm vụ khác thuộc Chương trình 712.  Với mục tiêu thúc đẩy áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL phù hợp với các ngành chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ đã triển khai nhân rộng tại 30 doanh nghiệp ngành thực phẩm trên cả nước.

Các doanh nghiệp được đào tạo, hướng dẫn áp dụng tích hợp hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 kết hợp với công cụ năng suất chất lượng 5S phù hợp với tính hình thực tế của mỗi doanh nghiệp. Việc thực hiện triển khai hướng dẫn tại mỗi doanh nghiệp thường có thời gian từ 04 đến 06 tháng và bao gồm 6 bước sau:

  • Khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp
  • Đào tạo hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng
  • Hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng
  • Hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng
  • Đào tạo và hướng dẫn đánh giá nội, hướng dẫn cải tiến
  • Hỗ trợ đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý.

Việc tích hợp hai HTQL trên đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc đơn giản hóa hệ thống (giảm 40-50% số quy trình, tài liệu so với khi áp dụng riêng lẻ), tiết kiệm nhân lực vận hành, giúp cho hoạt động quản lý điều hành tại doanh nghiệp được tinh gọn hơn, khoa học hơn. Các doanh nghiệp được tiếp cận với các HTQL và các công cụ tiên tiến, dưới sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia tư vấn, đều có sự thay đổi và nâng cao rõ rệt về mặt nhận thức trong các hoạt động quản lý, hoạt động cải tiến năng suất chất lượng. Thông qua việc tham gia các dự án cải tiến này, ý thức và kỹ năng của người lao động được nâng cao, tăng cường khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp, phân tích quá trình, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... Nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao lợi ích thiết thực khi tham gia Chương trình hỗ trợ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc triển khai tại 30 doanh nghiệp ngành thực phẩm như là lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm theo đúng cam kết ban đầu, việc tuân thủ các yêu cầu luật định về môi trường đối với một số doanh nghiệp thực phẩm nhất là doanh nghiệp nhỏ chưa cao và chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid 19... Những khó khăn này đã khiến cho việc triển khai áp dụng tại một số doanh nghiệp phải dừng lại, hoặc có một số doanh nghiệp khác kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch đã đề ra.

Việc triển khai dự án trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19 thêm vào đó nhiều doanh nghiệp thực phẩm gặp khó khăn và biến động nhưng nhiệm vụ đã hoàn thành được mục tiêu, nội dung đã đề ra. Trong tương lai, đơn vị chủ trì sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới cách thức hướng dẫn cho doanh nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với từng đối tượng cụ thể kết hợp với phương pháp truyền đạt trực quan sinh động hướng tới xây dựng nhiều mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến năng suất chất lượng thành công và hiệu quả hơn. 

TIN LIÊN QUAN