Thứ tư, 13/07/2022, 15:03 PM

Xu hướng phát triển công nghệ thông tin - viễn thông

(CL&CS)- Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp công nghệ đang tập trung đầu tư vào công nghệ lõi và các công nghệ nền tảng để phục vụ hoạt động chuyển đổi số.

Kết quả khảo sát mới đây của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, các xu hướng kỳ vọng sẽ dẫn dắt ngành công nghệ thông tin - viễn thông trong giai đoạn tới bao gồm: dịch vụ dựa trên điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, công nghệ 5G, thị trường Internet băng thông rộng cố định và công nghệ chuỗi khối.

Cụ thể, dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing) ở Việt Nam được đánh giá sẽ phát triển với khả năng bảo mật tốt so với hạ tầng máy chủ vật lý truyền thống. Cùng với đó, những lợi ích kinh doanh xung quanh việc tăng năng suất, tiết kiệm chi phí cho máy móc, cơ sở hạ tầng tại các tổ chức và doanh nghiệp.

Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam sẽ khoảng 26%/năm  - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.

tuonglaiphattrien2

Xu hướng phát triển công nghệ thông tin - viễn thông

Hiện nay, ở Việt Nam có 40 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 20% thị phần. Như vậy, với cơ hội thị phần cùng quỹ đạo tăng trưởng không ngừng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số thì đây là thời cơ để các doanh nghiệp nội đầu tư phát triển dịch vụ này.

Theo khảo sát của Vietnam Report, có 66,67% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình chuyển đổi số của mình. Với khả năng quản lý và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động hỗ trợ khách hàng, AI được kỳ vọng sẽ tiếp cận tới tất cả các doanh nghiệp trong tương lai. Bằng những cải tiến trong quy trình lập kế hoạch, dự báo và tiến bộ công nghệ trong ngôn ngữ, giọng nói, thị giác AI cũng đã được chứng minh hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ và dữ liệu thanh toán chọn lọc, AI giúp các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu này một cách chi tiết, cải thiện hoạt động dịch vụ và chất lượng sản phẩm.

Cũng đang có sự gia tăng về tỷ trọng sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) ở các doanh nghiệp với mức 86,67% trong năm 2022, tăng vượt trội so với tỷ lệ 66,67% doanh nghiệp áp dụng công nghệ này trong năm 2021. Các chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin nhận định, đây là một trong những công nghệ rất có tiềm năng phát triển hiện nay.

Bằng việc thiết lập kết nối các thiết bị IoT từ xa, thu thập và quản lý dữ liệu từ các thiết bị IoT, xử lý dữ liệu theo nhu cầu, kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng bên ngoài mạng IoT... giúp tự động hóa các quy trình, giảm thiểu chi phí lao động và không phải đầu tư hạ tầng chuyên dùng để xây dựng. Đồng thời, quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.

Tương lai của truyền thông phải kể tới công nghệ 5G. Viện Nghiên cứu Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự báo, tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025. Đây cũng là mũi nhọn của ngành công nghiệp di động bởi tốc độ kết nối nhanh vượt bậc so với các thế hệ mạng viễn thông trước đó.

Với độ trễ thấp, phạm vi phủ sóng rộng, mạng 5G kỳ vọng sẽ tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc. Việc triển khai dịch vụ công nghệ 5G giúp các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hóa các ứng dụng AI, IoT… trong các thành phố thông minh và doanh nghiệp, đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm video với độ phân giải cao (4K, 8K), ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR),… của người dùng kỹ thuật số.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua đầu tư hạ tầng mạng viễn thông với mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn. Cụ thể, phủ sóng mạng di động (2G, 3G, 4G) đạt tỷ lệ 99,8% dân số, thử nghiệm 5G cũng đã diễn ra tại 16 tỉnh, thành phố.

Kết thúc năm 2021, các nhà mạng có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,6% so với năm 2020). Đây cũng là năm mà lưu lượng Internet Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 40%.

Xu thế phát triển công nghệ đã tạo ra các loại hình dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác. Do đó, các nhà mạng cũng thay đổi, chuyển dịch phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng hạ tầng số.

Việc phát triển mạng băng rộng góp phần mở ra những không gian mới cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội thúc đẩy đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Việc hoạt động mà không liên quan đến bất kỳ bên thứ ba cũng như hạn chế sự thay đổi hoặc hack dữ liệu sẽ tạo ra tính minh bạch và bảo mật cho công nghệ này. Blockchain đã vượt qua giới hạn của lĩnh vực tài chính – tiền tệ để thâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Xuất phát từ tiềm năng phát triển, Blockchain đang mở ra cơ hội cho ngành công nghệ - viễn thông thông qua việc nâng cao tính hiệu quả trong quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh và giao dịch như: quản lý các dịch vụ nội dung số, quản lý chuỗi cung ứng với hợp đồng thông minh, nhất là an ninh mạng và ngăn chặn gian lận.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy nhanh chóng tại tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; trong đó, có cả các doanh nghiệp công nghệ. Môi trường làm việc đã thay đổi chỉ sau một đêm khi công việc từ xa trở nên phổ biến và nhu cầu thị trường ngày một gia tăng. Khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghệ tập trung vào việc nâng cấp chuỗi cung ứng để đạt tính minh bạch và khả năng phục hồi cao hơn; đồng thời, nắm bắt lấy điện toán đám mây để tăng cường nỗ lực chuyển đổi của mình.

Khi thế giới và Việt Nam đã đi qua hơn nửa chặng đường của năm 2022, những vấn đề nói trên vẫn là câu chuyện lớn của ngành công nghệ. Tuy nhiên, một điểm khác biệt quan trọng là doanh nghiệp hiện có cơ hội giải quyết những thách thức này một cách có chủ đích, đặt nền móng vững chắc cho sự đổi mới và tăng trưởng trong tương lai.

Thế Anh

Bình luận

Nổi bật

Kon Tum: Tập huấn về phát triển ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số

Kon Tum: Tập huấn về phát triển ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:53

(CL&CS) - Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức khai giảng Lớp tập huấn khởi nghiệp với chủ đề phát triển ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời đại số nhằm triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Ninh Thuận: Thúc đẩy chuyển đối số trong doanh nghiệp

Ninh Thuận: Thúc đẩy chuyển đối số trong doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:49

(CL&CS) - Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, là chìa khóa để các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:48

(CL&CS) - Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ.