Dữ liệu cũ
Thứ hai, 11/04/2016, 14:03 PM

Vụ cát tặc lộng hành trên sông Đồng Nai - Kỳ 4: “Cát tặc” vẫn lộng hành, đất dân sạt lở, không lẽ chính quyền bó tay?

(NTD) - Sông Đồng Nai bị tận thu cát tạo nhiều lòng chảo dưới đáy sông khiến môi trường sinh thái bị phá vỡ, sạt lở đất đai vườn tược người dân. Gây nguy hại như vậy nhưng cơ quan chức năng rất ít kiểm tra, bắt, xử lý. Đã vậy, khi đoàn kiểm tra xuất hiện, sông Đồng Nai trở nên yên bình đến kỳ lạ, cả trăm ghe hút cát như được báo trước, lập tức ngưng hoạt động, dạt hết vào những con rạch, hoặc “hô biến” không thấy xuất hiện. Vậy làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Không thể “xử” được cát tặc?

IMG_20160309_113136_1
Một bãi cát không tên cạnh bờ sông Đồng Nai nơi tập kết của cát tặc.

Theo trung tá Nguyễn Sinh Thu, Trạm trưởng trạm Cát Lái, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP.HCM: “Theo nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thì sau khi được khai thác, khoáng sản sẽ trở thành một loại hàng hóa. Có nghĩa là cát đã bán đi sẽ được xem là hàng hóa. Vì vậy, bọn “cát tặc” luôn cho một lực lượng tàu, sà lan mua bán cát theo sau. Khi cát hút lên, chúng bán ngay trên sông cho những xà lan này. Lúc đó cảnh sát môi trường không thể xử lý, vì cát đã thành hàng hóa, không thuộc thẩm quyền xử lý của cảnh sát môi trường. Còn nếu bị cảnh sát môi trường bắt quả tang ngay khi đang hút cát, chúng sẵn sàng đánh chìm ghe của mình để phi tang, vì trị giá ghe không đáng là bao. Chợ mua bán cát trên sông thật sự là vấn nạn cho chúng tôi, không biết xử lý như thế nào”.

IMG_20160309_110533
Tường bao bằng bê tông bị sụp đổ xuống sông
cat-tac-2
Bờ sông bị nứt nẻ nghiêm trọng.

Trả lời xung quanh cuộc chiến chống “cát tặc” vì sao không hiệu quả, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND P.Long Phước, Q.9 cho rằng: “Đúng là có tới hơn 40 ha đất của dân bị mất, sạt lở xuống lòng sông. Nhưng việc chống “cát tặc” hiện gặp nhiều cái khó. Do địa bàn TP.HCM và Đồng Nai cài răng lược với nhau, lực lượng kiểm tra của hai địa phương phối hợp thiếu đồng bộ, nên công tác cũng chưa tốt lắm. Cứ đuổi ở bên này, “cát tặc” chạy qua bên kia là không thể xử lý, không làm gì được”.

Hiện nay do lợi nhuận thu được từ việc hút cát trái phép rất lớn, nên “cát tặc” sẵn sàng đầu tư, nuôi “vệ tinh” theo dõi rất kỹ lịch trình kiểm tra của lực lượng chức năng.

IMG_9332
 
IMG_9364
Một số ghe cát tặc bị công an bắt

“Chống hút cát lậu trên sông phải cực nhanh như chống lửa đang cháy thì mới hiệu quả được. Việc này xảy ra nhiều năm nay, không phải bây giờ mới có, nhưng chính quyền xử lý như bắt cóc bỏ đĩa, ghe này bị bắt thì hôm sau có ghe khác quay lại hút cát dữ dội hơn, người bị bắt hôm nay thì hôm sau quay lại hành động liều lĩnh, manh động hơn..”, một người dân bày tỏ.

Cần quy rõ trách nhiệm cá nhân

Thực tế trữ lượng cát trên sông Đồng Nai không còn nhiều, nhưng một số địa phương vẫn cấp phép khai thác thì cần phải xem lại. Biết rằng giấy phép khai thác chỉ giới hạn ở một phạm vi, diện ích nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan cấp phép có nghĩ đến việc những đơn vị sau khi được cấp phép, sẽ núp dưới “lá bùa giấy phép” rồi khai thác rộng ra xung quanh, chứ không hẳn ở khu vực được cấp phép. Chuyện này diễn ra tràn lan nhưng lực lượng chức năng đâu thể nào ngồi canh, bắt liên tục được. Mà như vậy thì bờ sông, ruộng vườn của dân sẽ ngày càng bị sạt lở, hàng loạt hệ lụy khác kéo theo. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, rút giấy phép đơn vị khai thác cát không đúng quy định trên sông hiện nay cũng là một cách.

IMG_20160309_110758
Miếu thờ của người dân cũng bị “hà bá” nuốt.
IMG_20160309_111457
Đóng cọc giữ đất nhưng chỉ còn… mỗi cái cọc.
cat-tac-3
Cát tặc “bu kín” hút cát dưới chân cầu cao tốc.
IMG_20160309_111039
Đất ven sông bị phá nát thành sông.

Cần nhìn nhận rằng phương tiện, biện pháp để đối phó và triệt nạn hút lậu cát trên các dòng sông thì Nhà nước không thiếu, nhưng các lực lượng chức năng và chính quyền tại địa phương thiếu quyết tâm, đồng thời cần phải quy rõ trách nhiệm cho cá nhân cụ thể. Người đứng đầu địa phương nào làm không được sẽ bị kỷ luật thôi chức để người khác lên thay.

Theo ông Nguyễn Hữu Hải, ngụ P. Long Phước, Q.9 thì người dân biết hết. Biết cả những tàu nào được phép khai thác, tàu nào không có giấy phép khai thác. Người dân biết một thì cơ quan chức năng có công cụ quản lý, có lực lượng trong tay mà nói không biết là bao biện. Cái gì thì khó che, chứ “cát tặc” thì lộ ngay ra đó. Vì thế người dân ai cũng hiểu có việc bao che, dung túng nhưng họ không có chứng cứ để vạch mặt, chỉ tên…..

“Trên thực tế, xử lý việc “cát tặc” cũng không phải khó nếu các cơ quan, lực lượng làm công minh, làm hết trách nhiệm. Theo tôi, cứ xử lý người đứng đầu, cứ trách nhiệm người đứng đầu mà “trói chặt”, tự khắc người đứng đầu cũng “trói chặt” trách nhiệm những ông khác. Liệu khi đó có còn ai dám bao che, dung túng?”, ông Hải cho biết thêm.

Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định tại Điều 172 về tội vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, số vụ khai thác cát trái phép bị xử lý hình sự trên thực tế còn rất ít, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các đối tượng có hành vi vi phạm. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp đồng bộ các giải pháp, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xử lý tận gốc các bãi cát hoạt động trái phép, xử lý thật nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cao nhất kết hợp chế tài hình sự. Làm được như vậy mới có thể hạn chế, ngăn chặn được tình trạng lộng hành của “cát tặc” đang diễn ra hiện nay”.

IMG_9323
 
IMG_9350
Một số ghe cát tặc bị công an bắt

Trao đổi thông tin về nạn cát tặc lộng hành, luật gia Nguyễn Lê Chương cho biết: "Hành vi khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, vi phạm Luật Khoáng sản. Một vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra một vài năm trước tại Hà Nội (địa bàn huyện Phúc Thọ, đoạn sông Hồng nơi giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc) mà các cấp chính quyền địa phương lúc đó cũng phải bất lực, để cát tặc hoành hành trong một thời gian dài, gây nhiều tiếng xấu, tin đồn trong dư luận quần chúng về việc có dấu hiệu bao che. Đến khi Bộ Công an vào cuộc thì nạn cát tặc mới được dẹp bỏ.

Những hành vi trên có đầy đủ dấu hiệu được quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:

- Người nào vi phạm các quy định của nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng.

 Cao Tuấn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.