Vấn đề “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt đáng lo ngại

(CL&CS) - Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Điều này báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. (Ảnh: Quốc hội)

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. (Ảnh: Quốc hội)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng - ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, vấn đề “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp "rút lui" khỏi thị trường tương đương 70-75% số doanh nghiệp đăng ký thành lập. Điều này báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Một vấn đề nữa, theo PGS Trần Đình Thiên là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Mức tăng trưởng tín dụng (hết tháng 8 chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%) và giải ngân vốn đầu tư công thấp thật sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp “đói vốn, khát vốn” và Chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy” để hỗ trợ. “Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, ông Trần Đình Thiên nói.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cần xác lập các điều kiện: Hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).

Cùng với đó, bảo đảm "tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống: Thông suốt hạ tầng (hạ tầng kết nối cứng và mềm), thông thoáng cơ chế (công khai, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh...) và thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo…).

Cũng liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn.

Theo ông Tuấn, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124.700 doanh nghiệp. “Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra hàng loạt rào cản, khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện như chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Và hiện chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tuy nhiên quan trọng nhất là việc gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu…

Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI. Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ… Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.