Thứ hai, 03/06/2019, 09:44 AM

Tranh cãi quanh bãi rác, nhìn lại câu chuyện hợp tác phát triển Quảng Nam - Đà Nẵng

(NTD) - Sau khi Quảng Nam công bố xây dựng lò đốt rác mới, Đà Nẵng nhanh chóng lên tiếng vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho thành phố. Trước đó, Quảng Nam đã phản ứng mạnh khi Đà Nẵng tổ chức tour du lịch ra đảo Cù Lao Chàm. Câu chuyện hai tỉnh thành anh em trước đây là “một nhà” tách ra cùng đề xướng kế hoạch hợp tác phát triển cần được khơi lại...

Mối lo về nguồn nước sạch

Khi Quảng Nam công bố dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa có công suất 240 tấn/ngày thì Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) là đơn vị lên tiếng đầu tiên. Nhà máy này nằm trên lưu vực sông Yên - nguồn cung cấp nước chính cho Đà Nẵng, vì thế Dawaco lo lắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thô của họ. Dawaco đã đề nghị chính quyền Đà Nẵng làm việc với tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý thích hợp, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên.

Khu xử lý rác Đại Hiệp ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam hoạt động thu gom và xử lý rác bằng cách chôn lấp. Hơn 15 năm qua, bãi rác đã đầy và đã đến lúc Quảng Nam cần có địa điểm khác để xây dựng nhà máy xử lý rác mới có công nghệ tiên tiến hơn.

Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa với công nghệ lò đốt nằm cách bãi rác Đại Hiệp 400m về phía tây, thuộc khu núi thấp, nơi người dân đang trồng keo để chắn gió và hạn chế lượng nước mưa đổ về. Nhà máy nằm cách nhà dân gần nhất thuộc xã Đại Nghĩa theo đường chim bay 1.100m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trên 4.000m, trong khi quy chuẩn là 500m.

Trước kiến nghị của Dawaco, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã khảo sát hiện trường và kết luận rằng “Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa để thay thế cho bãi chôn lấp hiện hữu sẽ góp phần giảm các tác động đối với môi trường khu vực và lưu vực sông Yên”. Sở cũng cho rằng việc đóng bãi rác hiện hữu và dự án lò đốt rác mới “chắc chắn đã có đánh giá tác động, rủi ro và có giải pháp xử lý thích hợp”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định rằng, dự án được hội đồng khoa học thẩm định kỹ lưỡng về vị trí đặt nhà máy và công nghệ xử lý. Ông xác tín rằng không có nước bẩn do hoạt động của nhà máy xả thải ra môi trường, không có nước bẩn đổ về sông Yên. “Lo lắng của Dawaco là quá xa và không phù hợp với thực tế” - ông Thanh phát biểu.

Chính quyền Quảng Nam cũng đề xuất phối hợp với Đà Nẵng đi thực tế hiện trường, cùng làm rõ hơn tác động của lò đốt rác Đại Nghĩa đến nước đầu nguồn sông Yên để tránh các thông tin sai lệch, gây hiểu lầm cho cả hai địa phương.

quangnam1
Dự án nhà máy rác Đại Nghĩa có công suất 240 tấn/ngày. (Ảnh: M.T.).

  

quangnam2
Dawaco lo lắng nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng vì lò đốt rác ở thượng nguồn sông Yên. (Ảnh: M.H.).

Tranh cãi về nguồn nước là câu chuyện dài của hai địa phương

Quảng Nam bao bọc phía nam và tây của Đà Nẵng. Hai địa phương giáp giới, có mối liên kết chặt chẽ với nhau nên quá trình phát triển của bên nào cũng sẽ ảnh hưởng đến láng giềng. Trong vài năm gần đây, hai địa phương thường xảy ra mâu thuẫn, có khi xung đột về chủ trương phát triển...

Cuối tháng 4 vừa rồi, Đà Nẵng dự định mở tuyến du lịch trực tiếp bằng đường thủy từ sông Hàn đi Cù Lao Chàm. Việc thực hiện kế hoạch mà không bàn bạc trao đổi đã khiến thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam phản ứng gay gắt. Phía Hội An cho rằng, do lượng khách tăng nhanh nên thành phố phải khống chế lượng khách ra Cù Lao Chàm chỉ khoảng 3.000 người mỗi ngày nhằm bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn nước sạch cho người dân và du khách sinh hoạt cũng như hạn chế rác thải xả trên đảo.

Ngay sau đó, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng phản hồi “đây mới chỉ là kế hoạch đơn phương từ Đà Nẵng, khi triển khai thực hiện sẽ bàn bạc cụ thể”. Mặt khác, kế hoạch này cũng phải được Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chấp thuận về nguyên tắc về bến bãi, tàu thuyền, thuyền viên, nhân viên...

quangnam4
Ngũ Hành Sơn.

Xung đột lợi ích

Năm 2016, khi Quảng Nam cho phép di dời nhà máy thép Việt - Pháp đến cụm công nghiệp ở Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang của tỉnh cũng làm Đà Nẵng lo ngại về nước xả thải từ nhà máy sẽ làm ô nhiễm hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, ảnh hưởng nguồn nước cho Đà Nẵng. Cuối năm 2018, Quảng Nam mới thuyết phục Đà Nẵng an tâm về các tiêu chuẩn môi trường của nhà máy thép này.

Trước đó, khi Quảng Nam xây dựng đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện cũng được Đà Nẵng theo dõi sát sao. Sông Vĩnh Điện thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước trồng trọt, sinh hoạt và tình trạng xâm mặn của cả hai tỉnh thành.

Năm 2016, lãnh đạo của hai bên mới đạt được thỏa thuận “Các dự án phát triển kinh tế xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, hỏi ý kiến của hai địa phương và các cơ quan trung ương có liên quan”.

Nói là vậy, nhưng mãi đến tháng 1/2019, lãnh đạo hai tỉnh thành và các huyện mới đưa ra quyết sách liên quan đến nước cho nông nghiệp, nước sinh hoạt và chống mặn xâm nhập. Một là xây đập Quảng Huế ở huyện Đại Lộc để tăng lưu lượng nước về sông Vu Gia phục vụ cấp nước cho Đà Nẵng. Hai là xây dựng cầu kết hợp đập ngăn mặn có van điều tiết trên sông Vĩnh Điện, thuộc thị xã Điện Bàn để ngăn mặn cho sinh hoạt và sản xuất khu vực Điện Bàn và Hội An.

Sông Vu Gia là nguồn cung cấp nước chính cho 11.000ha lúa/vụ, 4.000ha màu/vụ, nước sinh hoạt cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam và cấp nước cho 2.000ha lúa/vụ và nhà máy nước cầu Đỏ công suất 280.000m3/ngày đêm tại Đà Nẵng.

quangnam3
Chùa Cầu ở Hội An và khu tháp cổ Mỹ Sơn
quangnam
Phố cổ Hội An

Hợp tác để phát triển

Giữa tháng 5 vừa rồi, khi suối Lương khô cạn đáy, nhà máy nước Hải Vân phải ngừng hoạt động thì cư dân ở quận Liên Chiểu và một phần huyện Hòa Vang của Đà Nẵng hầu như không có nước sinh hoạt. Câu chuyện Quảng Nam xây nhà máy rác trên thượng nguồn sông Yên đã khiến ngành nước Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa.

Nước đã trở thành đề tài nóng bỏng và có thể nói là sống còn với Đà Nẵng bởi nó gắn với sinh hoạt của một triệu dân thành phố và gần 8 triệu du khách đến đây mỗi năm. Ngành du lịch của thành phố biển này tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt. “Cầu Vàng thôi thì không đủ. Du lịch Đà Nẵng sẽ thiếu hẳn sức sống và linh hồn nếu không có chuyến tham quan phố cổ Hội An, không có tour du lịch đến Cù Lao Chàm mang sắc thái mới mẻ hơn hay không có những chuyến đi nối kết với cố đô Huế” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc hãng lữ hành Lửa Việt tại TP.HCM, nhận định.

Trong khi đó, nước cũng là nguồn sống cho nông dân và các cơ xưởng công nghiệp của Quảng Nam. Ngành du lịch và ngành công nghiệp của tỉnh vẫn cần sự bổ trợ về nguồn nhân lực từ các trường đại học cao đẳng tại Đà Nẵng và “sự phân luồng” du khách từ Đà Nẵng bởi tỉnh này không có sân bay quốc tế.

Vấn đề nước sạch của Đà Nẵng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về sự hợp tác, hợp lực trong phát triển giữa các tỉnh thành trong cả nước. Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh nói rằng giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình trao đổi thông tin và thực hiện.

Nhưng một chiến lược cùng hợp tác phát triển, phát huy thế mạnh của từng địa phương sẽ giải bài toán phát triển cho cả vùng. Có vẻ Đà Nẵng đang làm tốt điều này với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 2 vừa rồi, hai bên đã ký thỏa thuận bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia Hải Vân Quan.

Cuộc tranh cãi kịch liệt giữa hai bên xung quanh dự án đầu tư của nước ngoài trên đèo Hải Vân năm 2014 đã lùi vào quá khứ!

Minh Hằng - Ricky Hồ

_NTD_So 189_ 28-29
 

Bình luận

Nổi bật

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Theo quy định về thực phẩm của Singapore, các sản phẩm thực phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây mẫn cảm cho người tiêu dùng đều phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Thời gian qua, trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua, bán hàng hóa có giá trị lớn trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

(CL&CS) - Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.