Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 10/09/2016, 07:43 AM

TP.HCM: Đau đầu chống ngập

(NTD) - “Từ nay, tất cả Thường trực Ủy ban Nhân dân TP.HCM phải tham gia chống ngập” - đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trong cuộc họp cuối tháng 8 vừa qua... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, TP.HCM cứ loay hoay mãi với vấn đề chống ngập nước tốn biết bao nhiêu tiền tỷ của dân mà ngập vẫn hoàn ngập.

Cả thành phố là... một điểm ngập

Sáng 29/8, tình hình ngập nước trở thành chủ đề nóng tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 của UBND TP.HCM. Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói mở báo ra đọc ý kiến phản hồi của người dân thì thấy vấn đề ngập nước đang nhức nhối. “Không biết anh Công (ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước) có đọc không? Nguyên nhân gây ngập từ đâu? Phải có giải pháp chứ, từ giờ tới cuối năm vẫn tiếp tục mùa mưa. Tình hình đang rất nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.” - ông Phong nói. Ông Phong cho rằng ngập nước đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị sắp tới, tất cả Thường trực UBND phải đi chống ngập. Từ nay đến tháng 9, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phải xuống khảo sát các điểm ngập, điểm lấn chiếm kênh rạch, làm việc với quận, huyện để nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể. “Phải tạo ra sự chuyển biến thật sự sau chỉ đạo này. Từ trước đến nay chúng ta đã cố gắng nhiều nhưng chưa tạo được sự chuyển biến. Như vậy, mọi nỗ lực của chúng ta không có hiệu quả nên khi mưa xuống thành phố lại ngập.” - ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trận mưa lớn ngày 26/8 có lưu lượng vượt quá quy hoạch thoát nước một số điểm của thành phố. Khu vực thoát nước mưa theo quy hoạch phải đầu tư 6.000 km cống thoát nước. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 43%. Ông Cường cho rằng vấn đề ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất là cấp bách và đề nghị giải quyết ngay. Còn ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước cho rằng trận mưa ngày 26/8 ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị bít lại bởi rác, kênh rạch bị lấn chiếm. Riêng vấn đề ngập gây ảnh hưởng đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Công có ba nguyên nhân chính là mương A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản, đều... nghẹt và hoàn thành nạo vét chậm tiến độ. “Đối với dự án cải tạo mương A41, quận Tân Bình làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2019 mới hoàn thành. Mương Nhật Bản do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 85%. Mương Hy Vọng, thuộc dự án của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Chống ngập cũng nạo vét thường xuyên nhưng phải mở rộng thêm.” - ông Công nói và kiến nghị quận Tân Bình đẩy nhanh tiến độ đối với kênh A41.

44

 Cả thành phố bây giờ chỉ còn... một điểm ngập: Toàn thành phố.

Hơn một thập kỷ “tuyên chiến” với ngập lụt

TP.HCM đã bắt đầu “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. TP.HCM vẫn còn khoảng 100 điểm ngập, tổng cộng 154/322 xã phường đã ghi nhận bị ngập lụt thường xuyên. Theo thống kê, từ năm 2013, đỉnh triều cường tại Phú An đã đạt mức lịch sử 1,68 m, từ năm 2011-2014 đã xuất hiện 76 lần đỉnh triều cao trên 1,5 m, trong khi 63,5% diện tích TP.HCM có cao độ dưới 1,5 m nên tần suất ngập úng khi triều cường tăng nhanh. Để khắc phục, những năm qua, TP.HCM đã nỗ lực triển khai thực hiện các quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng. Thành phố đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600 km cống thoát nước, 60 km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, triển khai xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa... Nhờ vậy, đã góp phần giảm ngập úng do mưa tại 62 điểm ngập (từ 95 còn 33 điểm ngập)...

Tuy nhiên, do việc thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng còn rất chậm vì thiếu nguồn vốn đầu tư; khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng... nên tình trạng ngập úng do triều cường chậm được khắc phục. Đến nay, so với yêu cầu đặt ra mới cải tạo được 43% hệ thống cống thoát nước, 12% kênh rạch, xây dựng được 1/10 cống kiểm soát triều. Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, nhưng những khu vực như quận Gò Vấp hay những tuyến đường huyết mạch vừa được xây dựng xong như đường Võ Văn Kiệt và nhiều tuyến đường khác trong khu vực Q.6, Q.8... thuộc lưu vực các kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm vừa được nạo vét, lắp đặt lại hệ thống cống mới cũng lâm vào tình trạng ngập sâu.

Trước tình hình trên, tháng 8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc chống ngập úng TP.HCM là nhiệm vụ cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM để tập trung giải quyết, tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt trong nhiệm kỳ tới. Trong đó trước hết phải tập trung khắc phục ngập úng tại khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, TP.HCM cần quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ các hồ điều hòa và các vùng chứa nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ điều hòa để chủ động trữ nước, giảm ngập; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh, rạch để tiêu thoát nước nhanh, giảm thời gian ngập úng khi mưa lớn. Tăng cường quản lý, tiến tới hạn chế việc khai thác nước ngầm, tránh nguy cơ sụt lún.

43
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo bấm nút khởi công “Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”.
Hiện nay, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) được thực hiện từ 2016-2018. Khi hoàn thành dự án sẽ kiểm soát ngập do triều cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Tháng 6 vừa qua, TP.HCM đã khởi công Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức BT. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại buổi lễ và phát lệnh khởi công dự án. Những năm qua, TP.HCM đã thực hiện hoàn thành 4 dự án ODA chống ngập trọng điểm, 75 dự án nâng cấp xây mới hệ thống cấp thoát nước, 294 hạng mục công trình cấp bách để xóa bỏ các điểm ngập hiện hữu. Lắp đặt 1.077 van triều, nạo vét 2.898 km cống các loại... Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, hiện TP.HCM chỉ mới đầu tư những công trình quy mô nhỏ, không thể thoát nước nhanh trong trường hợp có mưa lớn. Với dự án chống ngập có xét đến biến đổi khí hậu, quy mô hiện lớn nhất, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay... sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của TP.HCM và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

 Quốc Định

NTD So 65 (260)_Page_10
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.