Tiếng chuông giục mở rộng an sinh xã hội từ những đoàn người về quê
(CL&CS) - Hiện tượng lao động hồi hương cho thấy sự cần phải mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, để bảo vệ người lao động khi có các cú sốc kinh tế. PGS.TS. Giang Thanh Long (Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Tạp chí Chất lượng và cuộc sống.
Sau làn sóng người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch hồi tháng 7, tháng 8, mấy ngày vừa qua lại có tiếp những đoàn người dân tự phát rời các tỉnh phía Nam về quê bằng các phương tiện cá nhân, thậm chí có người đi bộ. Là người đã có bề dày nghiên cứu về kinh tế học và an sinh xã hội, ông nói gì về hiện tượng này?
PGS.TS. Giang Thanh Long: Cá nhân tôi cho rằng đây là hiện tượng hết sức bình thường bởi sau một thời gian dài giãn cách, thậm chí có những thời điểm bị phong tỏa, người lao động đã kiệt quệ vì không còn sinh kế.
Ngay cả khi Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ và bản thân các tỉnh/thành phố cũng đã bổ sung các chương trình hỗ trợ thêm nhưng có lẽ những khoản hỗ trợ đó không đủ để họ duy trì cuộc sống trong vài tháng như hiện nay.
Thực tế cho thấy có rất nhiều lao động vừa mới di chuyển tới vùng dịch thì bị giãn cách xã hội, phong tỏa… nên họ thậm chí chưa kịp có nguồn sinh kế. Việc quay trở về quê là một giải pháp cuối cùng vì họ không còn nguồn sống nếu tiếp tục ở lại thành phố với nhiều khoản phải chi (thuê nhà, ăn uống, học hành của con cái…) trong khi lại không có thu nhập.
Cũng trong lúc này hàng loạt doanh nghiệp phía Nam đang đứng trước nỗi lo đứt gãy lao động… Khi lao động về quê nhiều thế, sẽ có một phần họ ở lại tỉnh nhà mà không quay lại ?
PGS.TS. Giang Thanh Long: Điều này là vấn đề đáng lo trong hoạt động phục hồi kinh tế. Đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đóng cửa… do tác động của đại dịch. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do chi phí thực hiện “ba tại chỗ” quá lớn so với chi phí hoạt động chung…
Khi người lao động phải làm việc trong điều kiện khó khăn, họ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần và nhiều người bỏ việc vì tình trạng sống và làm việc kiểu “ba tại chỗ” kéo dài quá lâu.
Người lao động bỏ về quê cũng sẽ cân nhắc quay lại khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhưng có thể không quay lại ngay bởi họ phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái…
Nếu việc quay trở lại của người lao động và nhu cầu lao động cho sản xuất bị “lạc nhịp” thì việc thiếu hụt hoạt động khi phục hồi kinh tế là điều thấy rõ.
Thời gian qua đã có nhiều tỉnh đã tổ chức những đợt đón người của tỉnh đi làm xa về quê nhưng cũng còn nhiều tỉnh chưa tổ chức được việc này?
PGS.TS. Giang Thanh Long: Chính phủ đã vừa có chỉ đạo các địa phương trong cả nước và các bộ ngành phối hợp tổ chức đưa đón người dân có nhu cầu về quê an toàn, chu đáo. Tôi tin rằng thực hiện tốt chỉ đạo này, những người lao động tỉnh xa sẽ được về quê an toàn, sẽ không còn những cuộc hồi hương tự phát đầy rủi ro nữa.
Việc các tỉnh đón người lao động trở về quê thể hiện đúng tinh thần của dân tộc Việt Nam là “thương người như thể thương thân” và điều này chia sẻ khó khăn cho những người con xa quê nay gặp khó khăn trở về. Tình tương thân, tương ái và an sinh xã hội thể hiện rõ qua hoạt động này. Thường người lao động trở về quê là nơi họ có nhiều người thân để nhận được sự sẻ chia nên việc họ chọn về đâu là quyền của họ.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu, với các tỉnh, việc đón nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, trở lại quê có thể tạo ra những sức ép lớn, buộc các tỉnh phải cân nhắc và chuẩn bị chu đáo: Đó là làm sao đảm bảo được kiểm soát lây lan của đại dịch do dòng di cư lớn và từ nhiều nơi, đặc biệt là những nơi là tâm dịch. Cùng lúc đó là đảm bảo về an ninh, an toàn của địa phương khi số lượng người quay về lớn và đang đối mặt với sự kiệt quệ về kinh tế. Hơn cả, đó là trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, là nỗi lo sinh kế và đời sống người dân, là không để ai bị bỏ lại phía sau…
Từ hiện tượng lao động di cư hồi hương hàng loạt này, ông có gợi ý gì cho việc hoạch định chính sách tới đây? Làm sao để không còn những cuộc hồi hương tự phát nhiều rủi ro như vừa xảy ra? Làm sao để đứt gãy lao động không xảy ra, các doanh nghiệp, các ngành có đủ lao động để mở cửa trở lại, để phục hồi sản xuất kinh doanh? Làm sao để không xảy ra nghịch lý nơi thiếu lao động, nơi thiếu việc làm khi nền kinh tế mở cửa trở lại?
PGS.TS. Giang Thanh Long: Điều tôi muốn lưu ý là, an sinh xã hội cần phải được coi là cầu nối, đệm đỡ giữa đảm bảo hoạt động kinh tế với các rủi ro có thể phát sinh (về kinh tế, sức khỏe, xã hội… như đang xảy ra với đại dịch COVID-19). Bảo đảm an sinh xã hội cũng là giải pháp để chuỗi lao động không đứt gãy.
Hiện tượng lao động di cư hồi hương như hiện nay lại càng cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội – cả bắt buộc và tự nguyện – tới mọi người lao động để khi có các cú sốc rộng, lớn trong tương lai như COVID-19 thì họ vẫn có thể duy trì cuộc sống.
Thiết kế của hệ thống phải đảm bảo được nguyên tắc 3A, đó là khả năng tiếp cận (Accessibility), khả năng chi trả (Affordability) và mức thụ hưởng phù hợp (Adequacy) để mọi người lao động có thể nhận được an sinh xã hội khi cần.
Trong tình hình hiện nay, việc hồi hương của hàng ngàn lao động cũng có thể là thách thức với chính quyền địa phương trong tạo việc làm bởi kỹ năng, kinh nghiệm của những lao động này lại có thể không phù hợp với các hoạt động kinh tế, ngành, nghề hiện có ở địa phương.
Do đó, các địa phương cần sớm có được các giải pháp đồng bộ để một mặt hỗ trợ người dân về quê ổn định cuộc sống và mặt khác là có phương án hỗ trợ người lao động trở lại làm việc ở những nơi họ rời bỏ để về quê. Người ở lại cần được hỗ trợ đào tạo lại nghề để tìm được việc làm mới hoặc các công việc phù hợp với kỹ năng, kiến thức.
Một khi hoạt động kinh tế được phục hồi dần thì thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp chính là thiếu hụt lao động do nhiều người lao động đã bỏ về quê. Điều này một lần nữa cho thấy rất cần có sự đồng bộ của các chính sách trong việc thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Ví dụ như chính quyền các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp để tạo điều kiện và hỗ trợ các vấn đề liên quan tới gia đình người lao động (như nhà ở, trường học/lớp học… khi quay trở lại tỉnh/thành phố đã làm việc hoặc ngay tại quê nhà mà họ đã hồi hương).
Cùng lúc đó, cần cải thiện quy trình kiểm soát dịch đối với lao động di chuyển từ nơi ở tới nơi làm việc để tránh những phí tổn (như xét nghiệm…) không cần thiết, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp giảm các chi phí sản xuất, vận hành (như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn đóng BHXH…trong một thời gian nhất định) để doanh nghiệp có thêm “dư địa tài chính” trong việc đảm bảo và mở rộng hoạt động sản xuất và từ đó ổn định việc làm cho người lao động.
Cảm ơn ông đã về cuộc trao đổi này.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Tri Nhân Lương thực hiện
Bình luận
Nổi bật
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00
(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59
(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.