Thứ tư, 01/12/2021, 23:29 PM

Thực hiện nhanh và hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng

(CL&CS) - Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 với quy mô rất lớn đã được trình Chính phủ với nhiều giải pháp cộng thêm.

Theo dự kiến, đề án này sẽ được Quốc hội xem xét trong cuộc họp chuyên đề của Quốc hội trong tháng 12.

“Nếu đề án  này được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương chia sẻ với Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống.

Đề án này sẽ đưa ra những giải pháp phục hồi cộng thêm với những giải pháp đã có. Những giải pháp này sẽ cộng hưởng với các chính sách đã được thực hiện để tăng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, để kinh tế phục hồi từ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong chương trình phục hồi có 5 nhóm chính sách chính:

Thứ nhất, là nhóm phòng chống dịch bệnh và công tác y tế... Nhóm giải pháp này sẽ bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Trong đó, đề cập tới việc cung ứng vaccine, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí và được thể hiện trong gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

“Đây là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện các nhóm giải pháp khác”, Thứ trưởng Phương cho biết.

Nhóm thứ hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Nhóm giải pháp này được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân   bảo đảm cuộc sống lâu dài.

Tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở cho người lao động. Đồng thời là giải pháp và cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non... 

Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân là giải pháp dài hơi để người lao động yên tâm làm việc. Theo đó cần xây dựng cơ chế vận hành, cơ chế bán và cho thuê đặc biệt là cần cơ chế tài chính hỗ trợ cả người đầu tư và người mua nhà.

Nhóm 3 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua sẽ được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Giải pháp cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi cũng đã được đưa ra.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp vay, với mức lãi suất cấp bù dự kiến là 2%/năm.

Và Chính phủ tiếp tục dành một khoản ngân sách làm “vốn mồi” để kích thích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Những doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đẩy nhanh quá trình này.

Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và tham gia vào các chuỗi liên kết.

Thứ 4 là thúc đẩy đầu tư công. Đây là nhóm giải pháp sẽ rất khó thực hiện, bởi kế hoạch đầu tư công có sẵn còn không làm hết thì đưa thêm tiền có làm được không.

Nhưng đây là giải pháp có ý nghĩa kép vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong ngắn hạn kích thích tăng trưởng vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.

Nhóm 5 là giải pháp đặc biệt không mất tiền  nhưng rất quan trọng đó là nhóm giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro. Thứ trưởng Phương cho hay. Nhưng giải pháp này đòi hỏi sự đồng thuận cao và quyết tâm lớn của các bộ ngành, của các địa phương. Đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, việc không đơn giản nên cần quyết tâm rất lớn.  

Như Thứ trưởng Phương đã nói, và có thể nói, cả nền kinh tế đang kỳ vọng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế này được thực hiện nhanh và hiệu quả để ngay từ năm 2022 sẽ lấy lại đà tăng trưởng 6,5%.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2023, 2024, 2025 phải đạt trên 7% thì mới đạt được mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.

“Tin tốt là Chính phủ vẫn đau đáu các gói hỗ trợ này với quy mô rất lớn. Diện hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp, người lao động, mà còn là đầu tư hạ tầng, tăng cường phòng chống và kiểm soát dịch bệnh và nâng cao năng lực y tế... Đây là việc chưa có tiền lệ”, TS.Võ Trí Thành nói. 

Nhưng chương trình này có thực hiện được nhanh và hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc vào khâu thực thi, theo TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

TS.Võ Trí Thành  nhấn mạnh rất cần việc thực sự đồng hành vào cuộc của  Chính phủ - Quốc hội (đặc biệt là cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình), các bộ ngành, TW - địa phương cộng với quản trị rủi ro (đánh giá tác động; báo cáo thường xuyên; đảm bảo ổn định và cân đối vĩ mô về tổng thể, nhất là trong trung hạn).

“Chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi”, TS.Võ Trí Thành nói.

Theo vị chuyên gia này, trong chương trình phục hồi, chính sách tài khóa là trọng yếu nhưng phải phối hợp cùng chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kích cầu, kinh tế số, phục hồi xanh. Đồng thời, việc thiết kế chính sách đối với chương trình phục hồi kinh tế này phải sát hơn để đảm bảo hiệu quả.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Tri Nhân

Bình luận

Nổi bật

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.