Dữ liệu cũ
Thứ ba, 08/10/2019, 21:43 PM

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính

(NTD) - Sáng ngày 8/10/2019, tại Tp.Lạng Sơn, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ mít tinh Cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10/2019, với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, ở Việt Nam từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009, tỉ số này ở 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay, tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 114,8. Mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100. Riêng tại tỉnh Lạng Sơn, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 116,3 năm 2018, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

lang-son-3-1570543177
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại buổi lễ.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng MCBGT khi sinh: hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý, mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn.

Cũng theo bà Lan, giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGT khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

lang-son-2-1570524067177830045997
Lễ mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10/2019 tại Lạng Sơn.

MCBGT khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. MCBGT có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như: gia tăng áp lực, buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khoẻ, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…

Sớm nhận thức được những hệ lụy của tình trạng MCBGT khi sinh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm chủ động kiểm soát tình trạng MCBGT khi sinh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định “giải quyết vấn đề MCBGT khi sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới” của công tác dân số. Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và các nghị định của Chính phủ quy định “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.

Một số giải pháp và hoạt động can thiệp đã được triển khai tại cộng đồng, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân vào việc giải quyết tình trạng MCBGT khi sinh Ngày 23/3/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025, nhằm can thiệp đồng bộ, toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng MCBGT khi sinh. Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát MCBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025 của địa phương, nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp để kiềm chế tình trạng MCBGT khi sinh.

Thanh Mai

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.