Thứ hai, 21/10/2024, 17:33 PM

Thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới thương mại bền vững

(CL&CS) - Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử cần được quan tâm chú trọng hơn, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững.

Xu hướng phát triển tất yếu

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, trở thành công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có số lượng người dùng internet cao, trong đó số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và người dùng mạng xã hội lớn đã tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.

Thực tế cũng cho thấy, với số lượng người dùng internet lớn khiến hàng loạt sàn TMĐT ra đời. Chưa kể, việc tham gia của mạng xã hội đã giúp dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên facebook, zalo… cũng trực tiếp thúc đẩy việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.

3

Thời điểm hiện tại các giao dịch mua bán trên môi trường điện tử diễn ra phổ biến. Ảnh: Đinh Luyện

Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm nay, thành phố Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối về TMĐT với chủ đề “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp Quốc khánh 2/9/2024; chỉ đạo kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa…

Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính đạt 73,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 45,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 8,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 25,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 18,3%.

Có thể nói, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh một số sàn TMĐT làm tốt vấn đề hậu mãi, cố gắng bảo đảm quyền của khách hàng, vẫn còn không ít sàn TMĐT chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, khiến người tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro như: Mất an toàn thông tin cá nhân, bị lừa đảo trực tuyến, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.567 đơn thư phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 5,5% đơn có nội dung liên quan đến TMĐT. Các vấn đề phản ánh thường gặp bao gồm: Chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch…

Là một trong những người chịu những tiêu cực do những mặt trái của TMĐT, chị Đinh Thị Lệ (huyện Thanh Oai) chia sẻ, chị đặt mua một đôi giày cao gót trên mạng, qua ảnh và video cá nhân chị thấy rất ưng ý, thế nhưng, sau khi đặt xong chị lâm cảnh “dở khóc, dở cười” khi nhận được đôi giày vừa bé, kiểu dáng giày thấp, không giống như hình ảnh đôi giày mà người bán hàng quảng cáo. Bức xúc về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của shop online, nhưng do giá trị đôi giày không lớn, nên chị Lệ cũng không muốn mất thời gian khiếu nại, kiện cáo.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng

Thực tế, những trường hợp khách hàng chịu cảnh mua phải hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT như chị Lệ không phải hiếm. Điều đáng nói, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024).

Trước đó, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - đây cũng chính là sự kiện nổi bật hằng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay.

Ngoài ra, năm 2024, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” với thông điệp “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” tiếp tục được triển khai nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

4

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp quan tâm và xác định đây là hướng đi bền vững. Ảnh: Đinh Luyện

Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025, nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan.

Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được Bộ Công Thương xác định là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”.

Hàng rào pháp lý đã có, tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã nảy sinh một số vướng mắc về quy định, chẳng hạn như quyền hạn, nguồn lực để thực thi chưa cụ thể, chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Cách đây ít lâu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật của Bộ Tài chính, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế.

Trong đó, Điều 6 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi khoản 4 Điều 42 quy định: Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Nhiều ý kiến cho rằng, với các nội dung trên khi được áp dụng trên cơ sở các sàn TMĐT phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ giúp tăng trách nhiệm liên quan và đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Rõ ràng, quản lý bán hàng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên sàn TMĐT là chuyện không dễ. Bên cạnh hoàn thiện các nội dung pháp lý liên quan thì thiết nghĩ, công tác quản lý muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước…) là hết sức cần thiết.

Đây được coi là giải pháp căn cơ để xử lý chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trực tuyến.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới thương mại bền vững

Thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới thương mại bền vững

sự kiện🞄Thứ hai, 21/10/2024, 17:33

(CL&CS) - Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử cần được quan tâm chú trọng hơn, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững.

Hà Nội triển khai kế hoạch khuyến mại tập trung năm 2025

Hà Nội triển khai kế hoạch khuyến mại tập trung năm 2025

sự kiện🞄Chủ nhật, 20/10/2024, 21:29

(CL&CS) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về việc tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2025.

Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

sự kiện🞄Thứ hai, 14/10/2024, 14:30

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa rõ ràng, xây dựng chương trình khuyến mại, chế độ hậu mãi… là những giải pháp mà các Sở, ngành, quận, huyện Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh.