Thành lập công ty trong lúc say rượu: Siêu công ty vốn 144.000 tỷ đồng đã “bị khóa”

(NTD) - Mặc cho thị trường vàng và chứng khoán trồi sụt điên đảo, giới đầu tư tài chính lại đang dành rất nhiều sự quan tâm cho một “tân binh”. Đó là USC Interco. USC Interco “dậy sóng” vì có số vốn cao chưa từng có ở Việt Nam: 144.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là cú “vẽ giấy ra tiền” thế kỷ, nên USC Interco đã “bị khóa”.

Siêu công ty vốn 144.000 tỷ

Trong ngày 26/2/2020, khi thị trường vàng, chứng khoán và ngoại tệ vừa trải qua những “cơn sóng thần” với nhiều cung bậc thăng trầm thì sự chú ý của nhà đầu tư lại bất ngờ xoay chiều. Tạm quên những thị trường trồi sụt điên đảo, giới tài chính tập trung vào một “tân binh”. Đó là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco). USC Interco được chú ý vì đăng ký vốn điều lệ cao hàng đầu tại Việt Nam.

Mới đây, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố “tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2020”. Không có gì ngạc nhiên khi số lượng đăng ký mới giảm vì cả nước đang tập trung chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19.

Cụ thể, trong tháng 1/2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số vốn đăng ký tăng và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây. Cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267.178 tỷ đồng, giảm 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 76,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 1/2020 giảm mạnh do thời gian giáp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dù số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhưng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2020 đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đã đưa ra lý giải. Đó là do có sự tăng đột biến về vốn đăng ký là trong tháng 1/2020 có một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.

Doanh nghiệp mà Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh nhắc đến chính là “siêu công ty” USC Interco.

a
Trụ sở của siêu công ty vốn 144.000 tỷ đồng.

 

Doanh nhân ít được biết đến

Với việc đăng ký vốn lên đến 144.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD), con số suýt kỷ lục tại Việt Nam, USC Interco được tin là có sự góp mặt của tỷ phú hàng đầu Việt Nam, những người hiếm hoi đủ sức góp hàng chục ngàn tỷ đồng để thành lập công ty. Vì vậy, giới đầu tư tài chính rất bất ngờ khi biết cơ cấu cổ đông tại USC Interco.

Theo đăng ký kinh doanh, USC Interco có 3 cổ đông. Ông Nguyễn Hoàn Sơn là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 40% vốn, tương ứng 57.600 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phượng. Hai cổ đông này cùng nắm giữ 30% vốn công ty, tương đương 43.200 tỷ đồng.

Nắm giữ vốn ít hơn ông Nguyễn Hoàn Sơn nhưng ông Trần Gia Phong lại là người đại diện pháp luật của công ty. Ông Phong gây bất ngờ hơn khi có tuổi đời khá trẻ. Ông sinh năm 1979, quá trẻ cho một tỷ phú sở hữu khoản tiền lên đến 43.200 tỷ đồng.

Nếu góp đủ số vốn đăng ký, cả ông Sơn, ông Phong, bà Phượng cùng lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ba doanh nhân chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup và giàu vượt xa các tỷ phú đình đám như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO CTCP Hàng không VietJet, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)…

Trong mắt giới đầu tư tài chính, một doanh nhân bí ẩn nào đó giàu hơn các đại gia kể trên là điều không thể. Vì vậy, số vốn điều lệ này khiến nhiều người nghi ngại. Nghi ngại càng cao hơn khi USC Interco không được lập ở các vị trí đắc địa mà có trụ sở tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây không phải khu vực “vàng” cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng như USC Interco.

Sự bất thường

Trên nhiều diễn đàn về tài chính, kinh tế, đầu tư, siêu công ty 144.000 tỷ đồng đang là chủ đề được bàn tán xôn xao. Đa số đều tin đây chỉ là “vẽ tiền giấy” hoặc “đánh máy sai”. Rất ít nhà đầu tư tin rằng có 3 tỷ phú bí ẩn nào đó đủ tiềm lực để góp vốn xây dựng nên một siêu công ty có về vốn điều lệ lớn như vậy.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cũng đưa ra quan điểm về sự “bất thường”. Vì nhận thấy sự bất thường, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đã gọi điện xuống công ty (không gặp trực tiếp vì doanh nghiệp đăng ký online) trao đổi về vấn đề vốn.

Cục đã yêu cầu công ty xác nhận xem có sự nhầm lẫn nào về đăng ký vốn hay không. Nếu không, công ty có khả năng góp vốn trong vòng 90 ngày theo quy định không. Theo ông Tuấn, công ty khẳng định không nhầm lẫn và cam kết sẽ góp vốn đúng như đăng ký.

Ông Tuấn cho biết con số vốn 144.000 tỷ đồng là sự bất thường nhưng công ty có quyền đăng ký, cơ quan chức năng không có quyền từ chối. Nếu góp đủ vốn, công ty sẽ hoạt động bình thường, nếu sau 90 ngày mà công ty không góp đủ, cơ quan chức năng mới được can thiệp.

Dù vậy, do xác định đây là số liệu bất thường nên Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đã có những biện pháp rất kịp thời để theo sát câu chuyện góp vốn “thế kỷ” này. Đầu tiên, cục đã có những phân tích vi mô, phân tích vĩ mô, có tính toán loại trừ số vốn này trong thống kê.

Sau đó, cục “giám sát đặc biệt” việc góp vốn này. Cơ quan chức năng đã gửi thông tin cho các bên liên quan như cơ quan thuế, UBND quận, huyện, nơi công ty đăng ký thành lập trụ sở.

Siêu công ty đã “bị khóa”

Tuy nhiên, báo chí nhanh chóng phanh phui ra những bí ẩn “cười ra nước mắt” của siêu công ty này. Bà Kim Thị Phượng, người nắm giữ 30% vốn công ty, tương đương 43.200 tỷ đồng chia sẻ gia đình bà sống bằng nghề giao nước khoáng và phải “chạy ăn từng bữa”. Thậm chí căn nhà, nơi được đăng ký làm trụ sở kinh doanh của công ty đã bị cầm cố ngân hàng. Hai cổ đông còn lại, trong đó có ông Trần Gia Phong, Giám đốc công ty cũng không khá giả gì hơn.

Bà Phượng thừa nhận các cổ đông lập công ty trong lúc “say rượu”. Bà Phượng yêu cầu các cổ đông giải thể công ty. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với một công ty, không phải cứ muốn “đóng cửa” là được vì còn liên quan đến các nghĩa vụ khác.

Thế nhưng, có lẽ do công ty mới được thành lập (ngày 17/1/2020) nên USC Interco chưa phát sinh quan hệ tài chính, thuế... nên việc đóng cửa sẽ dễ dàng hơn. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, USC Interco hiện đang trong tình trạng “bị khóa”. Như vậy, câu chuyện rúng động về siêu công ty vốn 144.000 tỷ đồng đã khép lại.

Bảo Linh

 

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư vô lo với sản phẩm nổi bật của Gamuda Land

Đầu tư vô lo với sản phẩm nổi bật của Gamuda Land

sự kiện🞄Thứ tư, 27/11/2024, 10:20

Lợi thế về pháp lý, giá bán cùng chính sách thanh toán linh hoạt và toàn diện, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng trở thành yếu tố then chốt tăng sức hút cho dự án Eaton Park trong mắt các nhà đầu tư.

Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt

sự kiện🞄Thứ tư, 27/11/2024, 10:20

(CL&CS)- Thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu trên các nước trên Thế giới.

[Inforgraphic]: 4 dự án nhà ở tại Đà Nẵng được bán cho người nước ngoài

[Inforgraphic]: 4 dự án nhà ở tại Đà Nẵng được bán cho người nước ngoài

sự kiện🞄Thứ tư, 27/11/2024, 10:20

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa công bố 4 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu. 4 dự án bao gồm: Olalani Riverside Towers, Tòa nhà chung cư tại khu đất B4-1 và khu đất B4-2 thuộc dự án Khu du lịch dịch ven sông Hàn, Khu đô thị ven sông Hòa Quý – Đồng Nò, Khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp New Town.