Thứ ba, 01/07/2025, 09:28 AM

Phụ nữ vùng cao Bắc Kạn với công nghệ số

(CL&CS) - Tại tỉnh Bắc Kạn, công nghệ số nay đã không còn là điều gì quá xa lạ với phụ nữ. Nhiều chị em nay đã biết dùng zalo để gọi điện thoại, đặt mua sản phẩm qua mạng, thậm chí bán hàng qua mạng facebook, tiktok…. Công nghệ đã đi vào đời sống một cách tự nhiên và thiết thực.

Công nghệ không còn xa lạ với phụ nữ vùng cao

Chị Lý Thị Xuân, dân tộc Dao ở xã Dương Phong (Bạch Thông) cùng chồng là anh Lường Quang Đại livetream bán bí xanh (Ảnh fb nhân vật)

Ở nhiều bản làng vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, công nghệ số đã len lỏi vào đời sống của phụ nữ một cách tự nhiên và ngày càng gần gũi. Không còn là thứ xa xỉ chỉ dành cho “người thành phố” như vài năm trước, điện thoại thông minh, mạng xã hội và internet giờ đây đã trở thành vật dụng quen tay của nhiều chị em - từ phụ nữ trẻ đến những người trung tuổi. Chiếc điện thoại không chỉ để nghe gọi, mà đã trở thành “trợ thủ” trong sinh hoạt hàng ngày.

Phụ nữ vùng cao giờ đây biết gọi video qua Zalo để hỏi thăm con cái đi làm ăn xa, mua hàng online trên Facebook, chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, hay tra cứu thông tin học hành của con trên mạng. Nhiều chị còn tranh thủ lúc rảnh rỗi để học cách nấu món mới, làm bánh, trồng rau sạch qua các video hướng dẫn trên TikTok hoặc YouTube. Những điều tưởng như nhỏ bé ấy đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt, giúp chị em tiết kiệm thời gian, mở mang kiến thức và kết nối với thế giới rộng lớn hơn.

Không những vậy, chị em phụ nữ đã bắt đầu biết chụp ảnh sản phẩm nông sản, thảo dược địa phương để đăng lên mạng xã hội, bán miến dong, măng khô, bí xanh, mộc nhĩ... Họ không gọi đó là “thương mại điện tử”, nhưng chính những hành động giản dị đó là bước đầu gắn công nghệ với kinh tế hộ gia đình.

Công nghệ số, từ chỗ xa lạ, đang dần trở thành một phần của đời sống thường ngày - hiện diện trong từng góc bếp, mảnh vườn, buổi chợ và cả trong mối liên hệ giữa phụ nữ với cộng đồng, với gia đình, với xã hội. Và cũng từ đó, mở ra một tiềm năng lớn: phụ nữ vùng cao không chỉ biết dùng công nghệ, mà hoàn toàn có thể làm chủ không gian số nếu được tiếp cận đúng cách.

Khoảng cách giữa “biết dùng” và “dùng để phát triển”

Dù đã khá thành thạo trong việc sử dụng điện thoại thông minh để gọi video, chụp ảnh, lướt facebook, gửi zalo…, nhưng không ít phụ nữ vùng cao vẫn còn bối rối khi bắt đầu tiếp cận những kỹ năng công nghệ “cao hơn”, liên quan đến các lĩnh vực thiết thực như: nộp hồ sơ thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo tài khoản định danh điện tử, quản lý bán hàng online, xây dựng thương hiệu sản phẩm cá nhân…

Nhiều chị em đã quen bán hàng qua tin nhắn hoặc nhóm zalo bạn bè, nhưng khi được hỏi về livestream sản phẩm, viết mô tả hấp dẫn, tạo mã QR truy xuất nguồn gốc, hoặc xử lý đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử, thì không khỏi lúng túng. Cũng có người thành thạo thao tác đặt mua hàng online, nhưng lại chưa biết cách tự mình đăng ký giấy khai sinh cho con trên cổng dịch vụ công, hay tra cứu thông tin tiêm chủng bằng VNeID. Khoảng cách ấy - giữa việc “biết dùng công nghệ” và “dùng công nghệ để chủ động phát triển bản thân, gia đình” - chính là điểm nghẽn mà phụ nữ vùng cao đang cần được hỗ trợ tháo gỡ.

Điều đáng mừng là rất nhiều chị em chủ động muốn học. Họ không e ngại, không thờ ơ, mà sẵn sàng thử nếu có người hướng dẫn cụ thể, nếu được học theo nhóm, hoặc được “cầm tay chỉ việc” từ những người tin cậy. Nhiều phụ nữ chia sẻ: “Chỉ cần người hướng dẫn đúng cách, em làm được hết”, hay “Làm vài lần thì quen, giờ không cần gọi ai nữa, tự làm luôn”.

Chính từ nhu cầu thực tế ấy, việc trang bị kiến thức số bài bản - thực hành - sát với công việc thường ngày là điều vô cùng cần thiết. Không phải dạy những thứ quá phức tạp, mà là hướng dẫn những gì gần gũi nhất với đời sống phụ nữ: cách chụp ảnh sản phẩm đẹp, viết mô tả sao cho thật, đăng lên mạng sao cho thu hút, và hơn cả là biết cách bảo vệ thông tin cá nhân, tránh lừa đảo trực tuyến, sử dụng công nghệ một cách an toàn và hiệu quả.

Khi Hội là điểm tựa, phụ nữ chủ động bước vào thế giới số

Trước nhu cầu thực tiễn và tiềm năng lớn từ sự thay đổi của phụ nữ cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã sớm xác định chuyển đổi số không thể nằm ngoài chương trình hành động của mình. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đã ban hành và triển khai Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, đồng thời tích cực đưa nội dung chuyển đổi số vào các phong trào thi đua, chương trình hỗ trợ hội viên.

Không chỉ là chủ thể tuyên truyền, Hội Phụ nữ các cấp trở thành người kết nối, người hướng dẫn, người đồng hành. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 165 buổi tuyên truyền kỹ năng số, với sự phối hợp của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp…, thu hút gần 1.000 lượt hội viên tham gia.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn còn triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về sử dụng mạng xã hội Facebook để bán hàng, livestream bán hàng và tham gia thương mại điện tử. Các lớp tập huấn này giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng để khai thác tiện ích của các nền tảng mạng xã hội, từ đó quảng bá và bán các sản phẩm do gia đình và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ sản xuất.

Việc thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác Hội đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, giúp cán bộ, hội viên tiếp cận nhanh chóng với các xu thế mới của nền kinh tế số. Chúng tôi không chỉ tập trung vào tuyên truyền mà còn tổ chức nhiều lớp đào tạo thực hành để chị em có thể áp dụng trực tiếp vào công việc kinh doanh, sản xuất. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực như quản lý hội viên, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và thúc đẩy thương mại điện tử”.

Việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số không chỉ giúp phụ nữ Bắc Kạn nâng cao thu nhập, mà còn góp phần thay đổi tư duy, giúp họ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Khi công nghệ nằm trong tay những người gìn giữ nếp nhà

Không phải là những chuyên gia công nghệ, phụ nữ vùng cao Bắc Kạn vẫn đang từng ngày viết nên câu chuyện chuyển đổi số của riêng mình - giản dị, bền bỉ và vô cùng thuyết phục. Từ chỗ quen sử dụng điện thoại để liên lạc, nay họ đã bắt đầu chủ động khai thác công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính, bán hàng qua mạng, quảng bá nông sản, giữ liên kết cộng đồng và học hỏi không ngừng.

Chuyển đổi số không thể thành công nếu bỏ quên một nửa dân số - và càng không thể bền vững nếu không bắt rễ từ cộng đồng. Khi người phụ nữ vùng cao được tiếp cận đúng cách, được đồng hành kiên trì và tin tưởng, họ sẽ không chỉ bắt nhịp với thời đại, mà còn trở thành hạt nhân lan tỏa tiến bộ - ngay từ căn bếp, góc vườn, buổi chợ quê. Bởi ở đâu có phụ nữ chủ động, ở đó có sự đổi thay bền vững./.

Theo Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn

Bình luận

Nổi bật

Phụ nữ vùng cao Bắc Kạn với công nghệ số

Phụ nữ vùng cao Bắc Kạn với công nghệ số

sự kiện🞄Thứ ba, 01/07/2025, 09:28

(CL&CS) - Tại tỉnh Bắc Kạn, công nghệ số nay đã không còn là điều gì quá xa lạ với phụ nữ. Nhiều chị em nay đã biết dùng zalo để gọi điện thoại, đặt mua sản phẩm qua mạng, thậm chí bán hàng qua mạng facebook, tiktok…. Công nghệ đã đi vào đời sống một cách tự nhiên và thiết thực.

Đột phá mạnh mẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đột phá mạnh mẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Thứ sáu, 27/06/2025, 16:35

(CL&CS) - Sáng 27/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo, với 435/438 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91% tổng số đại biểu).

Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

sự kiện🞄Thứ năm, 19/06/2025, 07:27

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 17/2025/QĐ-TTg ngày 16/6/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.