Thứ hai, 09/09/2024, 18:57 PM

Phát triển nông nghiệp xanh ở Thái Nguyên: Xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bền vững

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm là cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng nông sản…; gia tăng năng lực sản xuất cho người nông dân cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới, chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với “xanh hóa” trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ. Tiếp đó, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 ban hành ngày 23/6/2020 với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 28/1/2022 được xây dựng trên quan điểm sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững…

nnxanh

 Mục tiêu chính của nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm là cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng nông sản

Trao đổi với báo chí về định hướng phát triển nền nông nghiệp trong năm 2024 và giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhấn mạnh: "Thế giới không đứng yên như chúng ta nghĩ, giờ người ta mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm của người nông dân, của ngành hàng. Điều này đòi hỏi, ngành Nông nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, bền vững".

Chính vì lẽ đó, tại Thái Nguyên, nông nghiệp xanh cũng đã được quan tâm từ 5 năm trở lại đây, trong đó có một số mô hình phát huy hiệu quả. 

Một trong những điển hình về sản xuất nông nghiệp xanh “có tiếng” tại Thái Nguyên phải kể đến là Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định được hiệu quả từ sản xuất sạch, xanh khi tạo dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn, gà khép kín theo hướng an toàn sinh học (từ sản xuất con giống đến khâu chăm sóc, giết mổ), trồng các loại rau, quả chất lượng cao trong nhà kính (khoảng 1.500m2).

Không chỉ chủ động kiểm soát đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi để tạo ra sản phẩm an toàn, HTX còn có khu xử lý chất thải riêng để không gây mùi, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Chất thải từ chăn nuôi được HTX thu gom, xử lý phục vụ cho việc trồng rau xanh trong nhà kính mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX, cho biết: Mỗi năm chúng tôi đưa ra thị trường hơn 1.000 con lợn, trên 6.000 con gà thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và 10 tấn rau quả sạch. Điều khiến tôi tâm đắc chính là sản phẩm của HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Vài năm nay, dù giá bán thị lợn, gà, rau xanh trên thị trường có giảm “sâu” thì sản phẩm của chúng tôi vẫn giữ giá ổn định và có chiều hướng tăng lên.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 60ha chè được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041; xây dựng được vùng trồng 4.000ha quế tập trung. Từ nay đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 200ha chè hữu cơ đạt chứng nhận; đến năm 2030, phấn đấu có 10.000ha quế tập trung tại Định Hóa, Võ Nhai.

Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã xây dựng được trên 70 HTX, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 30 doanh nghiệp, công ty liên doanh, liên kết chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi; duy trì hoạt động 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi xanh.

Từ thực tế cho thấy, nông nghiệp xanh đang hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản. Đồng thời, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội khi giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại; phục hồi, cải thiện đất đai; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng nói, sản xuất sạch, xanh còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người vì không còn tình trạng vứt bỏ bao bì, hóa chất rơi vãi ngoài môi trường hoặc chất thải dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, hệ sinh thái được cân bằng và duy trì đa dạng sinh học do hạn chế sử dụng hóa chất, giúp ổn định hệ vi sinh có lợi trong đất, để cây trồng phát triển theo hướng tự nhiên.

Những khó khăn đặt ra

Theo GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại. Nền sản xuất dựa vào năng suất và sản lượng đã giúp Việt Nam nhanh chóng đảm bảo an ninh lương thực nhưng sẽ không còn thực sự phù hợp với nền sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế.

Ở Thái Nguyên, mô hình nông nghiệp xanh vẫn còn khá mới lạ, chưa phổ biến rộng rãi ở các địa phương trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều nông dân trong tỉnh rất muốn tiếp cận nhưng vẫn chỉ dừng ở mức tìm hiểu chứ chưa áp dụng cụ thể. 

Thông tin với báo chí, bà Lê Thị Phương, xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai) chia sẻ, gia đình  có khoảng 1ha na trên núi. Hiện nay, người dân La Hiên đã thâm canh na rải vụ để hạn chế tình trạng mất giá khi vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên việc hướng đến sản xuất xanh vẫn đang nằm ở dự định. Qua tìm hiểu,người dân nhận thấy, để đầu tư cho sản xuất xanh, người nông dân không chỉ tốn nhiều thời gian, công sức mà còn phải đảm bảo quy trình khép kín từ việc đầu tư cho giống cây; kỹ thuật trong thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ vật đến việc thu hái, bảo quản…

Dù nông nghiệp xanh tạo ra nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng nhưng giá bán lại đắt hơn so với sản phẩm thông thường. Minh chứng rõ nét nhất là giá bán sản phẩm na sạch La Hiên tại phiên livestream trên nền tảng Facebook, Tiktok diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua (do UBND huyện Võ Nhai và Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức) có giá 80 nghìn đồng/hg, trong khi giá bán ngoài thị trường bình quân chỉ từ 20-40 nghìn đồng/kg.

Phát triển nông nghiệp xanh tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được khắc phục như: Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là các nông hộ, thiếu liên kết, là “rào cản” cho việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, thương mại nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái.

Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh thiếu đồng bộ, thủ tục xây dựng dự án, tiếp nhận cơ chế hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp, khó tiếp cận, nhiều rủi ro. Việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… còn gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp thúc đẩy nông nghiệp xanh với các sản phẩm chất lượng

Nền nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn định kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.

Để phát triển nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm, theo các chuyên gia, cùng với những cơ chế, giải pháp thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, làm lành mạnh hóa thị trường buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Không những vậy, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, không tiếp tay cho việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, “nói không” với việc mua nông sản không rõ nguồn gốc, trôi nổi. Khi sản phẩm của nông nghiệp xanh - nông nghiệp sinh thái có vị thế trên thị trường, chắc chắn các sản phẩm được sản xuất một cách vô trách nhiệm sẽ không còn chỗ đứng.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhu cầu vốn lớn, cần có doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp. Để thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nghiệp, cần có sự điều chỉnh trong chính sách về đất đai cho doanh nghiệp. Luật Đất đai đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, quy định về tích tụ đất nông nghiệp. Những điều này sẽ giúp dồn điền đổi thửa, tăng cánh đồng mẫu lớn để có thể sản xuất lớn.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác; giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, xanh. Việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người để cùng hướng tới chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngô Vân

Bình luận

Nổi bật

Nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn, cho năng suất cao, chất lượng tốt

Nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn, cho năng suất cao, chất lượng tốt

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 22:05

(CL&CS) - Hiện nay, việc phát triển kỹ thuật canh tác, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm nguồn lực nói chung và chi phí vận hành nói riêng; đồng thời hiện đại hóa hoạt động nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh tại tỉnh Bến Tre.

Đẩy mạnh tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

Đẩy mạnh tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 22:05

(CL&CS) - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Chương trình này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

An Giang: Ứng dụng công  nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất

An Giang: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 22:02

(CL&CS)- Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở TX. Tân Châu, tỉnh An Giang đã trở nên phổ biến. Từ lúa, cá, rau màu, cây ăn trái, nông dân đều tận dụng tốt nhất các loại công nghệ để phục vụ sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.