Dữ liệu cũ
Thứ ba, 13/08/2019, 13:38 PM

Nông dân miền bán sơn địa và khát vọng vươn lên

(NTD) - Mặc dù là huyện miền núi biên giới, có những khó khăn về nguồn nước, giống cây trồng, vật nuôi, thổ nhưỡng, nhưng ở Tri Tôn (An Giang) có khá nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi, làm giàu rất bài bản.

Đến Tri Tôn, nếu bạn không ghé qua tham quan trại nuôi trăn của ông Thái Vinh Thai ở thị trấn Tri Tôn thì sẽ là điều đáng tiếc, bởi đây là trại nuôi trăn lớn nhất vùng với số lượng trên ngàn con. Đặc biệt, ở đây ông Thai và con trai là anh Thái Vinh Quang với sự kiên trì, đã mày mò phát hiện và từng bước làm chủ kỹ thuật, quy trình lai tạo ra các loài trăn đột biến có màu sắc và hoa văn độc đáo.

Anh Quang kể: Nhiều năm trước, giá trăn thương phẩm khá ổn định. Người nuôi trăn có lãi. Mấy năm trở lại đây giá trăn sụt. Hiện nay chỉ còn 90.000 đồng/kg, người nuôi trăn bị lỗ nặng! Đứng trước khó khăn ấy, cha con anh Quang có suy nghĩ phải chuyển qua nuôi “trăn kiểng” - bởi ngày nay xu hướng, phong trào tìm chơi, nuôi cảnh các loài cây, con lạ nở rộ! Những người giàu có không ngần ngại bỏ nhiều tiền ra để mua các loại cây, thú quý mà họ mê thích!

a1
Trăn gấm vàng ở trại lai tạo trăn.

“Trăn kiểng” tất nhiên phải là loài trăn lạ, đẹp khác thường. Anh Quang tiết lộ công khai bí quyết: Trong bầy trăn hàng ngàn con sẽ có vài con trăn lạ do đột biến gien! Ví dụ như hoa văn khác biệt, màu sắc sáng, vàng tươi. Chọn lọc những con đặc biệt như vậy, cho chúng phối nhau sẽ ra con F1, lấy con F1 cho phối nhau sẽ ra đời F2, cứ như thế cho lai tạo chéo, cuối cùng sẽ cho ra đời những con trăn đẹp, hiếm, có giá trị gấp năm lần trở lên. Một con trăn con thường bán chừng một triệu ngoài, nhưng một con trăn “bạch tạng” hay trăn “vàng” có giá từ năm triệu đến hơn chục triệu đồng! Trang trại Vinh Quang đã bán cho nhiều khách hàng. Quá trình lai tạo khá gian nan, nhưng với sự kiên trì, tìm tòi, trải nghiệm, ngày nay anh Quang cho biết, trang trại anh đã lai tạo trăn đột biến với tỷ lệ thành công 50% qua hai giai đoạn: 100 trứng nở 50 con. Trong 50 con có 25 con “đột biến” sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng kỹ. Hiện nay, đầu ra “trăn kiểng” còn rất khiêm tốn so với đơn đặt hàng!

a
Trăn bạch tang, loại trăn đột biến gien quý hiếm.

Rời trại nuôi trăn, chúng tôi đến Ô Sình và lên núi Dài (khu vực thị trấn Ba Chúc) bằng xe honda. Con đường mòn lên núi dốc cao, quanh co, khúc khuỷu trải bê tông chỉ vừa hai xe tránh nhau. Cảnh núi rừng hoang sơ tuyệt đẹp, cây cối xanh tốt sau những cơn mưa trái mùa. Dọc đường có đoạn san sát rừng tầm vông, có đoạn toàn xoài cổ thụ, có khúc thâm u, sầm uất tràm bông vàng. Chúng tôi đến vườn rừng của ông Lê Hoàng Vĩnh. Ông cho biết vừa bán cho thương lái hơn 500 cây dó bầu (trầm hương) rải rác trong khu đất có chu vi thân 40cm trở lên với giá 430.000 đồng/cây. Người mua xử lý tạo trầm trong 24 tháng. Sau đó trả cây lại cho chủ vườn. Những năm tới số lượng dó bầu tới độ tuổi cho ra trầm của ông Vĩnh ngày càng tăng. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao thích hợp, nên dó bầu ở khu vực Ô Sình phát triển tốt so với những nơi khác. Ngoài cây dó bầu, trên đất ông Vĩnh còn có trồng các loại ngãi để làm thuốc, trong đó có loại ngãi “Ma vương” chuyên trị bao tử rất hiệu nghiệm có giá từ 500.000-700.000 đồng/kg. Ông còn nuôi gần 500 con gà đá lớn nhỏ thả lang trên núi. Vườn rừng ông Vĩnh mỗi năm thu nhập gần 500 triệu đồng thực lãi! Con số khá lý tưởng với nông dân ngày nay.

Ông Nguyễn Văn Thương - Trạm trưởng trạm kiểm lâm khu vực Ba Chúc, Lê Trì cho biết: Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã giao khoán đất rừng cho các hộ dân giữ, trồng rừng, trồng cây nông nghiệp thân gỗ dài ngày trên núi nhằm bảo vệ rừng phòng hộ, phủ xanh đồi núi trọc, chống sạt lở đá, xói mòn, đồng thời phòng cháy, chữa cháy rừng. Do các cấp chính quyền, ngành kiểm lâm làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, kiểm tra thường xuyên, nghiêm ngặt việc bảo vệ, khai thác, trồng, tỉa thưa rừng nên nhiều năm qua ở Tri Tôn không xảy ra sự cố cháy rừng. Các ngọn núi cơ bản đã được phủ xanh.

Ông Thương còn cho biết thêm, tiêu chí mà các hộ dân cam kết với kiểm lâm là: Bảo đảm mật độ 600 cây/ha với các loại cây được cho phép trồng như: Tràm bông vàng, dó bầu, giáng hương, sao, gõ đỏ, xoài, sầu riêng, vú sữa, bơ... Cuối cùng, Trạm trưởng kiểm lâm hướng dẫn chúng tôi tham quan “mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ đầu nguồn” của hộ nông dân Phan Văn Thấy được Sở Nông Nghiệp và Chi cục Kiểm lâm An Giang chủ trì, tài trợ. Chúng tôi lần đầu tiên cảm nhận được ý nghĩa của chương trình này khi đi giữa khu rừng thâm u mát mẽ, dưới tán rừng là những bụi đinh lăng, ngãi, thiềng liềng, xuyên khung đang mọc lên xanh tốt!

Đặng Hoàng Thám 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.