Thứ hai, 16/09/2019, 14:55 PM

Những người săn “lộc rừng” vùng Bảy Núi

(NTD) - Sau nhiều lần đề nghị, anh Nguyễn Văn Cương ở khóm Thới Hòa, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên - An Giang mới đồng ý cho chúng tôi theo chân các anh để tận mắt chứng kiến tài nghệ của những người lấy mật ong rừng.

“Vua ong” Bảy Núi

Nhóm khai thác mật ong rừng ở khóm Thới Hòa gồm nhiều tay cừ khôi, trong số đó anh Nguyễn Văn Cương được bạn bè phong tặng là “Vua ong Bảy Núi”. Sau 15 năm băng rừng, lội suối, trèo cây lấy mật, ít khi nào anh bị ong tấn công, mặc dù đôi lần cũng bị sưng mắt, sưng miệng do bất cẩn.

Hôm đó, nếu như không tận mắt chứng kiến cảnh các anh trèo cây, đốt cỏ, phun khói, thò tay vào tổ cắt lấy túi mật chắc còn lâu tôi mới tin lời đồn thú vị về biệt tài của họ. Chính họ là những người dạn dày kinh nghiệm, hiểu được đặc tính của từng loài ong.

Vừa lên tới lưng chừng một ngọn núi thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, anh Ngô Văn Lên lấy tay chỉ cho chúng tôi xem một tổ ong mật to bằng chiếc chiếu manh đang bám dính dưới dạ một tảng đá to. Toàn tổ đều bám dày những lớp ong chi chít, vừa trông thấy ai cũng rùng mình. Tôi nghĩ bụng, nếu như đàn ong đó mà vỡ tổ, chắc mọi người sẽ hồn bay phách tán.

Biết chúng tôi đang lo lắng, anh Cương vội vàng trấn an: “Cứ yên tâm, đừng sợ. Hãy đứng sau các làn khói, có chúng tôi bảo vệ. Nếu rủi bị đánh hãy đứng yên, đừng cử động vì càng cử động chúng càng tấn công”. Nói xong, anh bảo chúng tôi chuẩn bị máy ảnh. Còn anh và anh Lên mỗi người một bó cỏ khô lẫn cỏ tươi đang ngùn ngụt bốc khói hướng về phía tổ ong. Bị khói, đàn ong tốc bay túa ra đen nghịt trên các vòm cây, phát ra một thứ âm thanh ù ù nghe lạnh người. Moi người nín thở chờ đợi. Nãy giờ nhờ đứng gần bó đuốc, làn khói dày đặc bao quanh giống như một hàng rào kiên cố đang bảo vệ nên đàn ong tuyệt đối không xâm phạm chúng tôi.

Đợi cho đàn ong bay xa, thưa dần, bớt khói, chúng tôi tha hồ bấm máy. Cùng lúc đó, các anh đã thực hiện những thao tác lấy mật một cánh thuần thục, chính xác, nhanh và gọn, chỉ trong vòng 5 phút là xong, không hề có chuyện gì bất trắc xảy ra.

Trên đường đi, anh Lên kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện lý thú về nghề ăn ong. Theo anh, xưa nay, nghề lấy mật ong chỉ thịnh hành ở vùng U Minh, nhưng những năm gần đây, do mật ong ngày càng quý hiếm nên nhiều người đã khai thác ong rừng Bảy Núi để lấy mật. Và cũng nhờ vậy mà ngày càng xuất hiện nhiều người ăn ong.

1.-Tổ-ong-rừng-đóng-trên-thân-cây-1
Tổ ong rừng đóng trên thân cây.

Thế giới loài ong

Rừng U minh có tới hàng chục loại ong, còn ở vùng Bảy Núi chỉ có ba loài cho mật. Đó là ong mật, ong tầng và ong ruồi. Ong mật thường làm tổ trên cây hoặc dưới dạ các tảng đá. Loại này con lớn, cho nhiều mật, có thể trên 3 lít/ tổ. Bản tánh ong mật rất hung tợn, một khi bị động, chúng đánh hơi người rượt xa mấy trăm mét để tấn công. Chính vì vậy mà trên vùng Bảy Núi, nhiều người lấy mật đã bị ong đánh phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ong tầng còn gọi là ong bọng, ong đá. Chúng làm tổ trong hang, hốc đá hoặc bọng cây, tuy ít mật nhưng rất quý nhờ con nhỏ hút được nhiều loại mật hoa.

Ong ruồi còn gọi là ong dùi kèo, nhỏ con, thường làm tổ trong các bụi rậm um tùm, hiền, ít đánh người.

Anh Lên cho biết nghề lấy mật ong trên núi không đòi hỏi phải gác kèo, dọn kèo. Tuy nhiên, người ăn ong cần phải gan dạ, nắm rõ đặc tính của từng loài ong, theo dõi mùa nào mật vàng kẹo, thơm lừng và ngọt lịm, mùa nào nên khai thác và khi nào ngưng. Mật ong núi dồi dào nhất là từ cuối năm cho đến đầu mùa mưa. Thông thường một tổ ong có thể khai thác được 2 lần/mùa.

Với kinh nghiệm nhà nghề, anh Cương chỉ cần quan sát đàn ong bay nhanh hay chậm, thưa hoặc dày, sớm hay muộn cũng có thể biết được tổ ong đóng cách đó gần hay xa, tổ lớn hay nhỏ, mật nhiều hay ít.

Nhiều người cho biết cách nay 5, 7 năm, mật ong còn nhiều, có người lấy mỗi năm trên 100 lít mật, nay giảm đi ít nhiều, nhưng bù lại giá tăng gấp đôi (600.000 đồng/ lít). Nguyên nhân do nhiều người khai thác, thậm chí có người dùng thuốc xịt muỗi để tiêu diệt ong khiến cho việc tái tạo đàn rất chậm. Vì thế mà sản lượng ngày càng ít đi. Theo kinh nghiệm dân gian, mật ong rừng chất lượng rất tốt so với ong nuôi vì loài ong này hút mật từ hoa rừng thiên nhiên nên nhiều người tìm mua, có bao nhiêu cũng không đủ bán.

4-Chuẩn-bị-phun-khói-bằng-lá-cây-rừng
Chuẩn bị hun khói bằng lá cây rừng.
1.-Tổ-ong-rừng-đóng-trên-thân-cây-3
Anh Nguyễn Văn Cương đang khai thác túi mật ong rừng trên ngọn cây.
Anh Cương tâm sự: “Sinh ra và lớn lên từ vùng rừng núi nên anh rất yêu rừng, coi rừng như máu thịt của mình. Tuy khai thác mật ong nhưng không bao giờ lạm sát ong non. Mỗi lần lấy mật xong anh đều giữ nguyên các tầng sáp để giúp đàn ong tái tạo đàn nhanh hơn. Nếu như mình khai thác một cách vô tội vạ, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Lúc đó ong sẽ bỏ đi, rừng cây xơ xác và con người sẽ bị ảnh hưởng vì nguồn sống thiên nhiên không còn”.

Bài & ảnh: Hoàng phương

NTD_So 200 _(573-574)_Page_29
 

Bình luận

Nổi bật

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:16

Ý tưởng cho dự án đài thiên văn này đã được hình thành từ 26 năm trước với mục đích nghiên cứu sự tiến hóa của các thiên hà và ngoại hành tinh.

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:15

(CL&CS)- Hội đồng xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đã xem xét 16 đề cử từ các Hội đồng khoa học để chọn ra các hồ sơ xuất sắc nhất để trao giải.

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:12

(CL&CS)- Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.