Thứ hai, 28/02/2022, 13:43 PM

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam

(CL&CS) - Nhiều kỳ vọng cho rằng, năm nay, ngành gạo sẽ "được mùa, được giá", xuất khẩu gạo có cơ hội tăng trưởng tốt hơn năm trước nhờ nhiều thị trường nhập khẩu trên thế giới bắt đầu hồi phục sau dịch Covid-19.

VFA dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn lạc quan có thể đạt trên 6 triệu tấn.

VFA dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn lạc quan có thể đạt trên 6 triệu tấn.

Thị trường EU hứa hẹn nhiều tiềm năng

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/2, cả nước đã xuất khẩu được 647.763 tấn gạo, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch gần 314 triệu USD, tăng 19,6%.

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines, số lượng xuất khẩu đạt 234.050 tấn, kim ngạch 110 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Bờ Biển Ngà với 59.675 tấn, kim ngạch 23,4 triệu USD; thị trường đứng thứ 3 là Trung Quốc với 37.000 tấn, kim ngạch gần 19 triệu USD; Malaysia: 34.925 tấn, kim ngạch 16 triệu USD…

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn lạc quan, dự kiến đạt trên 6 triệu tấn và các thị trường Philippines, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo.

Ngoài thị trường truyền thống, VFA cũng dự báo, năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU.

VFA phân tích, thị trường EU hứa hẹn có nhiều tiềm năng và giá bán cao bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU. Đáng chú ý, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.

Thông tin về tiềm năng xuất khẩu gạo trong năm 2022, mới đây, Bộ Công thương cho biết, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) đã thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, thấp hơn rất nhiều mức thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.

Xuất khẩu gạo cũng có nhiều cơ hội trong năm 2022 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực càng mở ra cơ hội cho gạo Việt đẩy mạnh số lượng vào thị trường này.

Đầu năm xuất khẩu khởi sắc

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã "mở hàng" xuất khẩu với các đơn hàng lớn, giá cao. Đây là tín hiệu vui cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Điển hình, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trúng thầu những gói lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc hay gói cung cấp hơn 25.400 tấn gạo cho Quỹ Dự trữ Quốc gia trong năm qua. Doanh nghiệp này trúng thầu tới 98% trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Mức giá trúng thầu của cũng cao hơn 9-10% so với mức giá các doanh nghiệp khác.

Và mới đây, công ty này cũng xuất khẩu 5 đơn hàng gạo thơm tới thị trường Đức, Malaysia, Qatar… với tổng sản lượng gần 1.000 tấn.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ: "Do xuất khẩu gạo chất lượng cao nên giá rất tốt, khoảng 650 -1.000 USD/tấn, tùy thị trường. Dự kiến năm nay, ngành gạo sẽ "được mùa được giá", xuất khẩu gạo có cơ hội tăng trưởng tốt hơn năm trước nhờ nhiều thị trường nhập khẩu trên thế giới bắt đầu hồi phục sau dịch Covid-19".

Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) cũng vừa hoàn tất giao đợt hàng đầu năm với khối lượng hơn 4.500 tấn, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng) cho nhiều thị trường lâu năm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Lô hàng xuất khẩu gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp - đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường.

Từ kết quả kinh doanh, xuất khẩu gạo trong tháng 1/2022 và những đợt hàng từ đầu năm đến nay, VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng, tương đương hai năm liền trước. Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện).

“Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu”, VFA khẳng định.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện hương vị bia

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện hương vị bia

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Các nhà nghiên cứu ở Bỉ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải tiến hương vị bia, tuy nhiên họ nhận định kỹ thuật của người nấu bia vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Xây dựng, số hoá và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP Nghệ An

Xây dựng, số hoá và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP Nghệ An

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Mới đây, sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức Hội thảo nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP".

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:09

(CL&CS) - “Một bước trước- một bước sau” là nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà tổ chức, cá nhân phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc...