Thứ bảy, 25/09/2021, 22:10 PM

Nhanh chóng tiến tới trạng thái bình thường mới

(CL&CS) - Sống và làm việc thích nghi với dịch bệnh là nội dung cuộc phỏng vấn của Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống với TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Từ lúc làn sóng dịch bùng phát đến nay đã qua 5 tháng, ông nhìn nhận về sự chuyển hướng chống dịch như thế nào?

Đất nước đã rơi vào thời kỳ khắc nghiệt với làn sóng dịch SARS-COV-2 thứ 4 mang biến thể mới Delta bùng phát nghiêm trọng. Lúc đầu chúng ta đã không đánh giá được quy mô và bản chất thực của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, cách phát tán của virus cũng khác.

Những giải pháp chống dịch hiệu quả ở năm 2020 đã đã không mang lại hiệu quả như mong đợi trong đợt chống lại biến thể Delta lây lan nhanh. Vì vậy chúng ta đã bị động, lúng túng. Các địa phương lại thực hiện không nhất quán.

TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh Thủy Nguyên

TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh Thủy Nguyên

Phải thắng thắn thấy rằng bản thân dịch bệnh đã gây thiệt hại về người và tài sản nhưng vừa qua, nhiều địa phương sử dụng các “công cụ” phòng, chống dịch một cách bất cập   nên đã có thiệt hại không đáng có.

Nếu các địa phương áp dụng các biện pháp, công cụ quản lý thuận lợi hơn, an toàn hơn, dễ tuân thủ hơn cho người dân và doanh nghiệp, và có sự thống nhất giữa các địa phương thì chắc chắn thiệt hại sẽ giảm đi nhiều.

Từ thực tiễn, Chính phủ và Thủ tướng đã thay đổi, đã có các giải pháp phù hợp hơn. Với diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch đã được tập trung toàn lực, có chỉ đạo quyết liệt. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đã được nâng cấp, tăng thẩm quyền và Thủ tướng đích thân làm Trưởng ban.

Trong mấy tháng gần đây, từ bài học kinh nghiệm của các nước phát triển và thực tiễn diễn biến dịch lần thứ 4, tiêm vaccine đã được coi là công cụ quyết định cho chống dịch và đưa sản xuất, cuộc sống của doanh nghiệp và người dân trở lại bình thường mới.

Một chiến lược ngoại giao vaccine đã được tiến hành rầm rộ và có được kết quả đáng ghi nhận. Hơn 30 triệu liều vaccine đã về Việt Nam. Đặc biệt đã có sự chuyển hướng từ “Zero F0” sang “an toàn, thích ứng với dịch bệnh”.

Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Kết luận cuộc họp sáng 23/9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 nguyên tắc:

1.Y tế là trụ cột, là trung tâm; 2.Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; 3.Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; 4.Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; 5.Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; 6.An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. 

Dịch bệnh đã gây tổn hại nặng nề. Theo ông nhìn tình hình tới đây thế nào?

Khó khăn và tổn hại mà dịch bệnh gây ra vẫn còn tiếp tục và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Tăng trưởng kinh tế năm nay có thể chỉ đạt mức thấp 2-3%.

Nhưng trong khó khăn đó, cũng đã nhìn thấy những điểm sáng. Thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới từng bước phục hồi tạo thuận lợi đối với phục hồi kinh tế trong nước.   

Chuyển hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trở lại bình thường mới trong điều kiện sống và làm việc thích nghi với dịch bệnh

Chuyển hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trở lại bình thường mới trong điều kiện sống và làm việc thích nghi với dịch bệnh

Trong nước dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Nhiều kinh nghiệm và bài học tốt về chống dịch đã được đúc kết. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ đang dần mở cửa lại. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.

Tuy vaccine khan hiếm nhưng chiến dịch ngoại giao vaccine của Chính phủ đã khá thành công. Việc tiêm chủng đang được đẩy nhanh. Các chính sách và chương trình của Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi và vượt qua đại dịch được đưa ra kịp thời và có hiệu lực hơn trước.

Thủ tướng đã nói vaccine vẫn còn khan hiếm cả trên thế giới và trong nước nên cách sử dụng phải thông minh hơn nữa. Theo ông, sử dụng vaccine thế nào?

Tiêm vaccine đã được coi là công cụ quyết định cho chống dịch và đưa sản xuất, cuộc sống của doanh nghiệp và người dân trở lại bình thường mới. Vaccine còn khan hiếm, nên ưu tiên cho địa phương có nguy cao, các thành phố, đô thị tập trung đông dân cư.

Trong từng địa phương, thì ưu tiên tiêm cho người già trên 50, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, và đội ngũ tuyến đầu chống dịch, lái xe và đội ngũ vận chuyển hàng hóa, hành khách, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế, thương lái, người bán hàng tại các chợ, các trung tâm thượng mại,v.v….

Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”, thì cần làm thế nào, thưa ông?

Chiến dịch chống dịch cần chuyển từ biện pháp cách ly và xóa bỏ hoàn toàn F0 sang chấp nhận vẫn có dịch ở mức không phải đại dịch. Và cần một kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ để vừa phòng chống dịch tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai hiệu quả Chiến lược vaccine, từng bước nới lỏng và tập trung phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó là chuyển hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trở lại bình thường mới trong điều kiện sống và làm việc thích nghi với dịch bệnh. Từng bước khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh và nhanh chóng tiến tới trạng thái bình thường mới.

Cần xây dựng khung khổ, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh để phân vùng theo nguy cơ: thấp, trung bình, cao. Xây dựng quy định tiêu chuẩn về an toàn đối với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng và đối với di chuyển giữa các vùng.

Xây dựng tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế và các chỉ các tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch, tổ chức, cá nhân tự tuân thủ, được giám sát bởi công nghệ thông tin và các công cụ thích hợp.  

Chính phủ cần chọn một nền tảng (App) khai báo sức khỏe, tích hợp cả dữ liệu về tình trạng tiêm vaccine của từng người dân và giám sát thực thi các tiêu chuẩn an toàn di chuyển của người và hàng hóa trong nội tỉnh, thành phố và giữa các địa phương.

Các bộ, và các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ và quy mô áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thực hiện nhanh và hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành, tập trung hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh kế. 

Nguyên tắc xuyên suốt khi thực hiện các giải pháp là không đặt thêm các quy định xin-cho, tạo thêm thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không khả thi.   

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.