Thứ tư, 14/10/2020, 09:54 AM

Ngành Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

(CL&CS) - Ngành Hải quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã nghiên cứu, cải tiến rút ngắn, đơn giản hoá nhiều thủ tục trong công tác giám sát, quản lý hải quan theo hướng tìm kiếm những giải pháp thiết thực, phù hợp để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất.

Ngành Hải quan đơn giản tối đa thủ tục cho doanh nghiệp

Ngành Hải quan đơn giản tối đa thủ tục cho doanh nghiệp

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa NK áp dụng trong giai đoạn dịch COVID-19. Các quy định của Thông tư đã giải quyết được vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề nộp bản gốc C/O do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ doanh nghiêp trong việc xem xét cho hưởng ưu đãi đặc biệt khi doanh nghiệp chưa có C/O bản gốc, cũng như kéo dài thời gian chậm nộp cho cơ quan Hải quan để doanh nghiệp hưởng ưu đãi đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tổng cục Hải quan cũng tham mưu, xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020 và Quyết định số 436/QĐ-BTC ngày 27/3/2020 ban hành Danh mục các mặt hàng được miễn thuế NK phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục miễn thuế, chế độ báo cáo đối với hàng hóa được miễn thuế.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, DN gặp khó khăn không XK được hàng hóa loại hình gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh miễn thuế; trong thời hạn lưu giữ hàng hóa lại hạn chế bởi quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp chưa có giải pháp để xử lý hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu do nước ngoài đóng biên, đối tác không tiếp nhận hàng hóa. Trước thực tế này, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết gia hạn thời hạn tạm nhập - tái xuất hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế do không bán được hàng; thời gian gửi hàng hóa kho ngoại quan cho các doanh nghiệp do phía đối tác không tiếp nhận được hàng hóa vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, ngành Hải quan đã áp dụng tối đa các biện pháp quản lý rủi ro về hải quan, qua đó, giảm gánh nặng về thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục XNK của doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp; không yêu cầu phải ký tên, đóng dấu trên các chứng từ này khi gửi qua hệ thống...

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ quan Hải quan đã tiết giảm thủ tục, không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp chứng từ chứng minh đối với trường hợp hàng hóa được vận chuyển nguyên container, nguyên chì từ nước XK đến khi đến Việt Nam; chấp nhận vận đơn chủ cho từng chặng, vận đơn thứ cấp nếu trên vận đơn thứ cấp thể hiện hàng hóa được vận chuyển từ nước XK đến nước NK.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan không xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện vận tải quá thời hạn tái nhập, tái xuất theo quy định nếu có tài liệu xác định thuộc trường hợp bất khả kháng do Chính phủ Lào áp dụng biện pháp tạm dừng xuất nhập cảnh hoặc người điều khiển phương tiện vận tải bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung tại thời điểm phương tiện vận tải phải tái xuất, tái nhập.

Với các giải pháp được Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện, tại các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hải quan, duy trì thực hiện tốt việc khai báo, thông quan qua mạng, nâng cao số hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, cơ quan Hải quan áp dụng kiểm tra hàng hóa (soi chiếu container) xuyên suốt 24/7 theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các chi cục hải quan thường xuyên bố trí công chức trực ngoài giờ hành chính để giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các chi cục hải quan thường xuyên nắm thông tin, giữ liên lạc với  trên địa bàn để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường trả lời vướng mắc thủ tục hải quan cho doanh nghiệp qua cổng thông tin điện tử của ngành; tiếp nhận giải quyết nhanh chóng các hồ sơ hoàn thuế, miễn thuế, giúp các doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động báo cáo, đề xuất việc gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chi Lê

Bình luận

Nổi bật

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng

sự kiện🞄Thứ sáu, 29/03/2024, 19:52

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng.

Chọn nhẫn cưới như cặp đôi 'ngôn tình' trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”

Chọn nhẫn cưới như cặp đôi 'ngôn tình' trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 11:12

(CL&CS) - Sau bao biến cố, cặp đôi “ngôn tình” Lâm - Dương trong phim “Chúng ta của 8 năm sau” đã có một cái kết vẹn tròn, viên mãn.

Tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng

Tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 09:22

(CL&CS) - Khi sức khỏe được người tiêu dùng thông minh đặt lên hàng đầu và yêu cầu về bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, tính minh bạch khi áp dụng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm dần trở thành yếu tố không thể thiếu.