Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trong ngành cơ khí Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
(CL&CS) - Ngành cơ khí là "xương sống" của nền công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia. Tại Việt Nam, ngành cơ khí đã có những bước tiến nhất định, góp phần đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trong ngành cơ khí đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu vào gia công, lắp ráp với hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Khả năng tự thiết kế, chế tạo sản phẩm phức tạp còn hạn chế. Theo số liệu của Bộ Công Thương, khoảng 70% máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp phải nhập khẩu. Phần lớn các máy móc nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc với chất lượng trung bình, tuổi thọ ngắn và tiêu hao năng lượng lớn.

Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ
Dây chuyền sản xuất tại nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn mang tính thủ công, tự phát, thiếu tính đồng bộ. Công nghệ sản xuất chủ yếu là cũ kỹ, lạc hậu, năng suất lao động thấp. Điều này khiến sản phẩm cơ khí trong nước khó cạnh tranh về giá và chất lượng so với các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia phát triển.
Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều: Một số doanh nghiệp đã đạt được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001, ISO 3834, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng tới việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất dẫn đến tỷ lệ lỗi sản phẩm cao, ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của khách hàng.
Ngoài ra, tình trạng phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu cũng làm tăng chi phí sản xuất và kéo theo giá thành sản phẩm cao. Điều này khiến sản phẩm cơ khí Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Ngành cơ khí đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tại, nhân lực có tay nghề cao trong ngành vẫn thiếu hụt nghiêm trọng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học trong ngành cơ khí chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chuyên sâu. Các chương trình đào tạo nghề còn chưa bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhiều kỹ sư cơ khí ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, phải đào tạo lại khi tuyển dụng. Điều này làm tăng chi phí và giảm hiệu quả sản xuất.
Bước tăng trưởng
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho nhiều ngành sản xuất như xây dựng, ô tô, điện tử, năng lượng, hàng không, và nhiều lĩnh vực khác. Tại Việt Nam, trong những năm qua ngành công nghiệp cơ khí đã có những bước tăng trưởng đáng kể, cả về quy mô và sản phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Ngành cơ khí - máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho một số doanh nghiệp lớn như Toyota, Thaco, Thành Công…, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nên các sản phẩm như khuôn mẫu, linh kiện cơ khí, nhựa và cao su kỹ thuật... về cơ bản đã được đáp ứng ở mức cao. Cụ thể, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe). Đối với lĩnh vực đường sắt, về đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách, nếu các đơn hàng có số lượng phù hợp, các doanh nghiệp đóng tàu, xe lửa và ô tô có thể tham gia chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%.
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Vai trò của Nhà nước và các chính sách hỗ trợ
Thời gian vừa qua, nhận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành, như:

(i) Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế)”.
(ii) Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng “Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho đường sắt”.
(iii) Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (bao gồm các sản phẩm cơ khí chế tạo) được xem xét hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất, mặt nước…
(iv) Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đặt mục tiêu “Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước”.
(v) Luật Điện lực năm 2024 khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ trong lĩnh vực điện lực đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo thiết bị điện, dịch vụ điện.
(vi) Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3. Việt Nam cũng đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI khi có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu suy giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Giải pháp phát triển bền vững
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững ngành cơ khí Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể:
Tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí: Hiện nay, Cục Công nghiệp đang chủ trì, tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng dự thảo Luật Phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, trong đó dự kiến có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, tạo điều kiện khuyến khích mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đối với các địa phương, nghiên cứu đầu tư phát triển Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại địa phương trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị hiện có; cân đối ngân sách địa phương, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển; đổi mới sáng tạo; ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; thiết kế, sản xuất thử nghiệm...
Đối với các doanh nghiệp, chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng cao của thị trường. Tận dụng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiện có của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp như: Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, mặt nước... cho các các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển...
Ứng dụng công nghệ tiên tiến: Việc đầu tư vào máy móc hiện đại, công nghệ tự động hóa như CNC, robot công nghiệp, và các phần mềm quản lý sản xuất (ERP, MES) là giải pháp hiệu quả giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sử dụng công nghệ in 3D trong chế tạo khuôn mẫu, chế tạo nhanh giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu. Đặc biệt, công nghệ AI và IoT có thể được tích hợp vào dây chuyền để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế: Các tiêu chuẩn như ISO 3834 về quản lý chất lượng hàn, ISO 9001 về quản lý chất lượng tổng thể, ISO 14001 về quản lý môi trường cần được triển khai rộng rãi. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Cải tiến quản lý sản xuất: Áp dụng các công cụ quản lý chất lượng như TWI (Training Within Industry), Lean Manufacturing, Kaizen sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lãng phí và cải thiện năng suất. TWI giúp nâng cao kỹ năng cho công nhân, Lean Manufacturing giúp loại bỏ lãng phí, còn Kaizen khuyến khích cải tiến liên tục. Kết hợp ba công cụ này tạo thành một hệ sinh thái sản xuất tinh gọn, hiệu quả và ổn định.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình đào tạo dài hạn, tập trung vào kỹ năng công nghệ, tự động hóa và quản lý sản xuất. Hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đưa sinh viên vào thực tập thực tế, tiếp cận dây chuyền sản xuất hiện đại. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút và giữ chân nhân tài.
Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh: Phát triển chuỗi cung ứng nội địa giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, gia tăng tính chủ động trong sản xuất. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ, xây dựng hệ thống phân phối và sản xuất đồng bộ, nâng cao khả năng tự chủ.
Việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành cơ khí Việt Nam không chỉ giúp các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh mà còn là chìa khóa để khẳng định vị thế của ngành trên thị trường quốc tế.
Nguyễn Liên
Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trong ngành cơ khí Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
sự kiện🞄Thứ sáu, 16/05/2025, 08:07
(CL&CS) - Ngành cơ khí là "xương sống" của nền công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia. Tại Việt Nam, ngành cơ khí đã có những bước tiến nhất định, góp phần đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trong ngành cơ khí đang trở thành vấn đề cấp thiết.
ISO 22000:2018 – Cam kết chất lượng và an toàn thực phẩm
sự kiện🞄Thứ năm, 15/05/2025, 14:19
(CL&CS)- Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 ra đời như một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp kiểm soát hiệu quả các mối nguy và khẳng định cam kết về chất lượng – an toàn – minh bạch với người tiêu dùng.
Việt Nam cần tích cực cải thiện năng suất lao động để phát triển giàu mạnh, thịnh vượng
sự kiện🞄Thứ năm, 15/05/2025, 14:19
(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải thiện năng suất, khi chỉ số này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.