Thứ hai, 15/07/2024, 15:13 PM

Nâng cao năng suất, chất lượng quả thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

(CL&CS) - Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích trên 30.000 ha, sản lượng khoảng 700 ngàn tấn/năm. Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho trái thanh long, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Bình Thuận đang chú trọng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nâng cao chất lượng quả thanh long là yếu tố quan trọng để quyết định đầu ra cho sản phẩm

Để cây thanh long phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế, trong thời gian qua Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chuyển giao các thành tựu về giống thanh long ruột đỏ nhằm tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, có áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thanh long như sử dụng bả sinh học để phòng trừ ruồi đục quả trên diện rộng cho cây thanh long;

thanh log

Liên kết cùng doanh nghiệp để phát triển ngành thanh long bền vững

Chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước tưới trong mùa khô; chuyển giao mô hình sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học nhằm nâng cao tính bền vững trong canh tác thanh long và chuyển giao các biện pháp quản lý, phòng trừ hữu hiệu các bệnh nấm và vi khuẩn hại trên cây thanh long....

Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trái thanh long của tỉnh; đáp ứng yêu cầu thị trường, bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thanh long, giúp các Hợp tác xã và bà con nông dân trong việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Việc nâng cao chất lượng quả thanh long được ngành nông nghiệp xác định là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đầu ra cho sản phẩm. Vì để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu...thì yêu cầu cơ bản thanh long phải tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ duy trì các diện tích đã được chứng nhận GAP; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ.       

Cùng với đó ngành nông nghiệp cũng sẽ tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng thị trường xuất khẩu.         

Cũng như quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu, hạn chế tối đa việc các tổ  chức, cá nhân sử dụng không đúng mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu thuận lợi và đảm bảo quy định.

Năm 2024 tỉnh Bình Thuận phấn đấu có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP

Theo đó, mục tiêu của Chương trình là nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đối tượng để thực hiện Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là các Tổ hợp tác, Nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng các Tổ hợp tác/Nhóm liên kết, Hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định. Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân tổ chức xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.

Đối với diện tích thanh long còn hiệu lực chứng nhận VietGAP, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường đánh giá định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện. Tập trung hướng dẫn để giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP và thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định. Kiểm tra, đánh giá để xem xét cấp lại giấy chứng nhận đối với các cơ sở có yêu cầu.

Đối với diện tích thanh long cần đăng ký chứng nhận mới và tái cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2024, các Sở, ngành, địa phương phải tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất; triển khai đào tạo và hướng dẫn các quy định yêu cầu về VietGAP; tổ chức lấy mẫu quả thanh long và cấp giấy chứng nhận; sau khi chứng nhận phải công bố chất lượng sản phẩm, các yếu tố vệ sinh theo yêu cầu của VietGAP…

Phát triển bền vững cây thanh long

Đề án phát triển bền vững cây thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 là một trong những mục tiêu tổng quát nhằm ổn định diện tích thanh long, thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp; phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sinh thái…

Được biết, cây thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của tỉnh; sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.500 ha; sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước.

Cụ thể đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ khoảng 5% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích thanh long được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người sản xuất thanh long, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững thanh long Bình Thuận. Tuyên truyền cho người dân hiểu và thay đổi tư duy sản xuất thanh long gắn với nhu cầu thị trường, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Phát huy vai trò của Hiệp hội thanh long tỉnh và doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia phát triển thanh long bền vững.

Sản xuất thanh long bền vững, có ứng dụng khoa học – công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, trong đó định hướng rõ vùng sản xuất thanh long tập trung; kỹ thuật canh tác cây thanh long; phòng trừ dịch bệnh; phát triển giống thanh long; đổi mới tổ chức sản xuất thanh long, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp chế biến.

Quản lý vật tư, sản phẩm thanh long, nhất là quản lý giống thanh long, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nhãn hiệu, đảm bảo minh bạch thị trường, tránh trà trộn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn; thực hiện việc dán tem Chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm để phân biệt và bảo vệ chất lượng, thương hiệu của thanh long tại vùng địa lý được bảo hộ. Phát triển sản phẩm thanh long OCOP. Đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng.

Đặng Chuyên

Bình luận

Nổi bật

Đề xuất tiêu chuẩn dán nhãn cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung có kích cỡ lớn

Đề xuất tiêu chuẩn dán nhãn cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung có kích cỡ lớn

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 10:29

(CL&CS) - Cục Quản lý Dược phẩm và Thiết bị y tế Úc (TGA) đang đề xuất một tiêu chuẩn dán nhãn cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung có kích thước lớn, nhằm cung cấp các thông tin chi tiết và tránh nguy cơ mắc nghẹn cho người tiêu dùng.

TCVN 13979:2024 thức ăn hỗn hợp cho cá chim vây vàng

TCVN 13979:2024 thức ăn hỗn hợp cho cá chim vây vàng

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 10:29

(CL&CS) - Thức ăn hỗn hợp của cá chim vây vàng nên đáp ứng các chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu lý hóa theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13979:2024 sẽ đảm bảo chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tiêu chuẩn ISO 13485 đưa ra yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho ngành thiết bị y tế

Tiêu chuẩn ISO 13485 đưa ra yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho ngành thiết bị y tế

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 15:49

(CL&CS) - ISO 13485 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho ngành thiết bị y tế, trong đó tổ chức, doanh nghiệp cần thể hiện khả năng cung cấp thiết bị, dụng cụ y tế và dịch vụ liên quan đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các quy định của luật pháp.