Thứ năm, 20/06/2024, 15:52 PM

Nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(CL&CS) - Để bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã mở rộng phạm vi đối với cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Đồng thời có thêm nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm…

1

Khó định danh cả người mua lẫn người bán

Phát biểu tại Hội thảo hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp "Một số cập nhật về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử", ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc nắm bắt và cập nhật thông tin đối với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, chính vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Cổng thông tin doanh nghiệp trở thành hệ sinh thái số hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào mục tiêu giúp doanh nghiệp tiếp cận các xu hướng mới trên toàn cầu như kinh doanh có trách nhiệm, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0,… cũng như cung cấp nền tảng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhau. Hơn nữa, việc kết nối doanh nghiệp với mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Trong thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức giao dịch thương mại. Hiện nay, các giao dịch có thể được diễn ra nhanh chóng qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. Giao dịch xuyên biên giới nhờ đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng bên cạnh các tiện ích, các hình thức giao dịch mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phân tích cụ thể hơn về cơ hội và thách thức đối với người người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới, bà Phạm Quế Anh, chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ chia sẻ, trên thực tế, thương mại truyền thống giao dịch chỉ bó hẹp diễn ra trong các cửa hàng, chợ, siêu thị hoặc tại tư gia của người tiêu dùng. Vì vậy, khi thương mại điện tử bùng phát đã tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hoá, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng.

Thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn khi không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể; gửi, nhận phản hồi các câu hỏi, cũng như khiếu nại ngay lập tức; trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán... Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của GIZ, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba, người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa, bởi vậy họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác. Thanh toán qua Internet hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng, thường qua bên thứ ba hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD). Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hoá.

“Thách thức đặt ra đối với người tiêu dùng khi thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới trở nên thông dụng là gặp rủi ro khó định danh cả người mua lẫn người bán, khó xác định quy định liên quan hay quốc gia, cơ quan có quyền tài phán; quyền riêng tư và an ninh mạng. Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng có thể gặp rắc rối, bị vướng vào các vụ kiện hoặc tranh chấp pháp lý liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác nơi sản phẩm được tiêu thụ”, bà Phạm Quế Anh nhấn mạnh.

Thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để thúc đẩy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử, hiện nay, nhiều cam kết quốc tế đã được xây dựng. Trong khu vực, Kế hoạch hành động chiến lược bảo vệ người tiêu dùng ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 đã được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên. Năm 2023, ASEAN cũng ra mắt Bộ hướng dẫn Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Bà Sita Zimpel, Giám đốc Dự án ASEAN SME, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ nhấn mạnh, các nỗ lực trên là rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới hài hòa hóa các quy định pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực và qua đó thúc đẩy thương mại bền vững.

Để hài hòa với các cam kết quốc tế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 còn có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm. Quy định 7 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em được ưu tiên bảo vệ…

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Hùng, đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai và cung cấp thông tin về sản phẩm. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, việc minh bạch thông tin sản phẩm không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm thông thái. Thông tin chi tiết về xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng và chính sách bảo hành sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Những biện pháp này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt, buộc thu hồi sản phẩm

Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt, buộc thu hồi sản phẩm

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 14:42

(CL&CS) - Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng đối với Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR do hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được phê duyệt.

Nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

sự kiện🞄Thứ năm, 20/06/2024, 15:52

(CL&CS) - Để bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã mở rộng phạm vi đối với cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Đồng thời có thêm nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm…

Định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử là giải pháp chống hàng giả

Định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử là giải pháp chống hàng giả

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 16:22

(CL&CS) - Trước thực trạng tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đại biểu cho rằng cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.