Môi giới địa ốc xoay xở trong thời khó khăn

(CL&CS) - Những tháng cuối năm được ví như là “mùa thu hoạch” đối với thị trường bất động sản, nhưng thời điểm này, nhiều nhân viên môi giới phải chuyển mình mạnh mẽ để có thể trụ được với nghề.

Môi giới gặp khó khăn trong nghề

Trong 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản thường xuyên nổi lên những cơn “sốt nóng” khiến nhà nhà đổ xô đi buôn đất, người người bỏ nghề đi làm môi giới bất động sản. Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ…, thì cũng là lúc hàng ngàn môi giới phải gác lại giấc mộng đổi đời, tìm nghề khác để mưu sinh.

Tham gia bán hàng cho một dự án nhà phố tại Hải Phòng, nhưng thời điểm hiện tại, anh Công - trưởng nhóm bán hàng cho biết, do chưa thống nhất được chuyện phân phối giữa các bên, cộng với thị trường không thuận lợi, dự án này đang tạm lùi vô thời hạn ngày ra hàng, ảnh hưởng rất nhiều đến anh và cộng sự.

“Mình đã tập trung công sức, nguồn lực để theo đuổi dự án hơn nửa năm nay với hy vọng kiếm cái Tết ‘có thịt’, nhưng sự điều chỉnh chính sách bán hàng của chủ đầu tư khiến các kế hoạch phân phối đổ bể”, anh Công buồn bã nói.

Môi giới bất động sản trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường  

Chị Nguyễn Hà Thu (38 tuổi) nhân viên môi giới một sàn giao dịch bất động sản lớn ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, vì công ty không có dự án mới để bán, nên suốt 4 tháng nay, chị không có lương. Chị cũng tìm sản phẩm ở các phân khúc đất nền, thổ cư, ruộng của các nhà đầu tư bên ngoài nhờ ký gửi để môi giới, nhưng không có giao dịch.

“Suốt nhiều tháng nay, tôi sống bằng tiền đi vay bạn bè. Thực sự chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Tôi đang cố đợi đến sang năm, nếu thị trường không khả quan hơn, thì sẽ phải tìm công việc khác có lương hằng tháng để sinh sống”, chị Thu nói.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land cho biết, nguồn thu của người môi giới bất động sản dựa trên phí hoa hồng, khi thị trường tốt, nhiều giao dịch thì hoa hồng nhiều và ngược lại, khi thị trường khó, ít giao dịch thì hoa hồng ít.

Ông chia sẻ: “Hiện tại là thời điểm hết sức khó khăn, trước đây thị trường dễ có thể thu 100 đồng hoa hồng thì nay chỉ còn 10 đồng, mà không phải anh em môi giới nào cũng kiếm được tiền trong 10 đồng ít ỏi đó. Bởi vậy, để có thể bước qua giai đoạn khó khăn trước mắt, người làm nghề môi giới phải chọn được thị trường có sản phẩm, có giao dịch, hướng đến giá trị sử dụng thực vì hiện tại, chỉ bất động sản có dòng tiền, có giá trị sử dụng mới thu hút nhà đầu tư”.

Ông cũng chia sẻ thêm, nếu như giai đoạn thị trường dễ nhiều khi chỉ cần gọi điện thoại, gửi thông tin là bán được hàng thì nay là lúc các môi giới phải nâng cao trình độ, kỹ năng bán hàng thì mới có thể bán được hàng.

“So với thời kỳ 2011-2013, thị trường hiện tại vẫn còn thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, sự gian khó vẫn còn ở phía trước vì thị trường mới bước vào giai đoạn đầu tăng lãi suất, khả năng cao là hết năm 2023 may ra thị trường mới có sự hồi phục trở lại”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Thực trạng khó khăn của thị trường khiến nhiều môi giới không trụ được với nghề. Nhiều người bỏ nghề, rẽ sang một hướng khác vì không bán được hàng, không tìm được khách.

Giai đoạn thanh lọc, môi giới tìm cơ hội mới

Câu chuyện môi giới thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu đã được nhắc nhiều ở giai đoạn này. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những doanh nghiệp đủ tiềm lực và đi đúng hướng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản. Thời kỳ thị trường sôi động, ai cũng thấy sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng.

Lúc đó, quy trình tuyển dụng môi giới dễ dãi, được thực hiện ồ ạt ở một số đơn vị. Ứng viên không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, chỉ cần vượt qua tiêu chí mà một số sàn đưa ra (đam mê kinh doanh, đam mê làm giàu)… là hoàn toàn có thể ứng tuyển.

Trước đó, Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 35.000 người. Đại bộ phận các nhân viên môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, hoạt động thiếu chuyên nghiệp.

Do đó, ông Đính cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành môi giới có biến động lớn, tình trạng nghỉ việc, bỏ nghề diễn ra nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản không nên sa thải ồ ạt nhân viên, vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn.

Thay vào đó, các công ty nên có một khoản trợ cấp cho nhân viên để duy trì quân số. Ngoài ra, ban lãnh đạo có thể tạo điều kiện cho mọi người đi làm bán thời gian, giúp họ tận dụng thời điểm này để đi học thêm, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Thị trường gặp khó khăn, nhiều môi giới bỏ nghề

Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia đào tạo kinh doanh bất động sản chia sẻ, thị trường trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ như hiện nay khiến người làm nghề môi giới gặp nhiều khó khăn. Thực tế khốc liệt này không ngoại trừ cả những môi giới lâu năm, lành nghề, dạn dày kinh nghiệm.

Ông cho rằng, để có thể thích nghi với bối cảnh hiện tại, các môi giới phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên là việc thay đổi thị trường. Giả sử, nếu môi giới đang bán hàng tại Long Thành (Đồng Nai), Long An hay Lâm Đồng, nếu thị trường vẫn có thanh khoản thì có thể “an vị”, còn nếu “đóng băng”, không có giao dịch thì phải dịch chuyển đến khu vực có dự án trọng điểm, những dự án lớn, hay các khu vực kinh tế - xã hội đang phát triển mạnh mẽ vì những thị trường kiểu này thường có nhu cầu cao về bất động sản, đặc biệt là bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực.

Tiếp theo, người môi giới cần mạnh dạn thay đổi phân khúc kinh doanh. Nếu chỉ quen bán căn hộ hay nhà phố, cũng cần dũng cảm bước sang phân khúc mới như đất nền ven đô có thổ cư, có diện tích lớn, có thể phân lô, hoặc nhà xưởng công nghiệp…

Với đặc thù giai đoạn hiện tại, thị trường đang xuất hiện nhiều “hàng ngộp” - là bất động sản mà chủ đầu tư phải bán cắt lỗ do kẹt tiền, nên đây cũng là phân khúc tiềm năng mà các môi giới có thể hướng tới để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, hiện cũng là giai đoạn nhiều bên “giả chết”, do đó, môi giới cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh gặp và tư vấn phải hàng “giả ngộp”.

“Càng trong hoàn cảnh khó khăn thì nhà môi giới càng cần phải xông xáo, lăn lộn nhiều hơn với thị trường, trang bị thêm kiến thức để có sự hiểu biết, trau dồi khả năng phân tích, nhận diện bản chất sản phẩm, từ đó chọn cho mình phân khúc phù hợp, tiềm năng và làm cầu nối giới thiệu cho khách hàng. Từ đó, môi giới sẽ có thể nhìn nhận ra các yếu tố tác động đến sản phẩm, thị trường, đến chu kỳ giá, chu kỳ tăng trưởng, nhìn nhận được thị trường tiềm năng và giới thiệu cho nhà đầu tư. Tôi luôn có quan điểm rằng, một vùng đất nghèo nhưng có tiềm năng sẽ giúp nhà môi giới mua được giá thấp, bán được giá cao, là sản phẩm đầu tư hiệu quả”, ông Nam chia sẻ.

Hà Thu

Bình luận

Nổi bật

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Đồng Nai: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:44

(CL&CS) - Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

Làm sao để “ghìm” đà tăng giá bất động sản?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

Mặc dù thị trường mới chỉ nhen nhóm tín hiệu phục hồi, tuy nhiên không ít những phân khúc bất động sản đã ghi nhận đà tăng giá nhanh chóng, đặc biệt là phân khúc chung cư. Có lẽ điều cần làm lúc này là làm sao có thể kéo giá bất động sản ngừng tăng để đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có nhu cầu.

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:59

Theo dữ liệu của DKRA cho thấy giá căn hộ mới ở Đà Nẵng vẫn neo cao và tiếp đà tăng nhẹ. Giá sản phẩm cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hải Châu.